Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt 40.900 tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn và đầu tư công được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng chính thì tỷ lệ giải ngân này là một tín hiệu rất đáng quan tâm.
Trong báo cáo gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính bày tỏ sự “sốt ruột”: vẫn còn trên 15% trong tổng vốn đầu tư kế hoạch năm 2021 chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ. Một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa triển khai phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam; các tỉnh Gia Lai, Hà Tĩnh…
Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, là do nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định của Chính phủ (các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, dự án quá thời gian thực hiện so với quy định…). Có 18 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương; một số địa phương có tỷ lệ phân bổ kế hoạch vốn này đạt rất thấp, có nơi chưa tới 2%. Thêm vào đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương đã khiến công tác giải ngân vốn đầu tư trong tháng 1, 2 đạt thấp. Đặc biệt, nguồn vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân (ước tỷ lệ giải ngân 2 tháng chỉ đạt 0,38%).
Bộ Tài chính cho biết, bộ sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý 1 nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; hướng tới minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Bộ Tài chính cũng cam kết phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.
Dĩ nhiên, các bộ, ngành, địa phương cũng cần nhanh chóng thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, dự án và nhập dự toán trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án; đôn đốc việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân…
Tuy vậy, nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công mới là mục tiêu cuối cùng. Ngay từ khâu chuẩn bị, yêu cầu tiên quyết là phải xác định tính cần thiết và quy mô hợp lý của dự án (có định lượng cả tác động lan tỏa vùng và cả nước); phân kỳ và tính toán sát nhất lượng vốn đầu tư để không phải điều chỉnh dự án với những thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian. Trước mắt, những dự án trọng điểm đã được quyết định sau khi tính toán toàn diện nhiều yếu tố như đường cao tốc Bắc - Nam hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành… cần được tập trung thực hiện với sự giám sát và kiểm tra.
Năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân trong 1 năm theo Luật Đầu tư công 2019. Nghĩa là đến ngày 31-1-2022, các bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công được giao (không kể các trường hợp bất khả kháng) sẽ không được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Dưới “sức ép” tích cực này, việc đảm bảo tiến độ phân bổ, chất lượng thực hiện các dự án đầu tư công càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.