Nhập siêu ép tỷ giá

Nhập siêu tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2015 do nhập khẩu tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu của nhiều ngành bị sụt giảm. Một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng mạnh có liên quan đến tỷ giá. Trong khi đó NHNN khẳng định sức ép từ nhập siêu đối với tỷ giá đã được dự báo trước và đã bán ngoại tệ để tiếp tục giữ giá tiền đồng.

Nhập siêu tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2015 do nhập khẩu tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu của nhiều ngành bị sụt giảm. Một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng mạnh có liên quan đến tỷ giá. Trong khi đó NHNN khẳng định sức ép từ nhập siêu đối với tỷ giá đã được dự báo trước và đã bán ngoại tệ để tiếp tục giữ giá tiền đồng.

Nhập siêu tăng mạnh

Theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5-2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 56,09 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 59,78 tỷ USD, nhập siêu lên tới 3,7 tỷ USD. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với cùng kỳ năm 2014 khi cán cân thương mại xuất siêu 1,3 tỷ USD. Cũng theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 5, nhập siêu đã lên tới 1,87 tỷ USD, bằng 50% tổng mức nhập siêu từ đầu năm.

Tổng cục Hải quan cũng đánh giá nhập siêu tăng cao do nhiều yếu tố, trong đó tăng trưởng xuất khẩu giảm đáng kể. Tính đến hết ngày 15-5-2015, xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2014 (10%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó nhập khẩu tăng đến 18,7%.

Nhập khẩu tăng mạnh do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có kim ngạch nhập khẩu tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân do một lượng máy móc thiết bị đáng kể đã được nhập khẩu theo tiến độ triển khai một số dự án FDI có quy mô đầu tư lớn như Formosa, Nghi Sơn.

Cũng liên quan đến nhập siêu, theo thông tin từ NHNN, nhập siêu tăng cao là sự kết hợp giữa những yếu tố bất lợi trên thị trường thế giới làm cho xuất khẩu của nhiều mặt hàng sụt giảm, trong khi đó sự phục hồi kinh tế trong nước dẫn đến sự tăng tốc của nhập khẩu.

Sức ép lên tỷ giá đã được dự báo

Theo NHNN, nhập siêu là diễn biến đã được dự báo trước. Ngay từ cuối năm 2014, thông điệp sẽ điều hành tỷ giá với biên độ biến động không quá 2% của NHNN được đưa ra dựa trên cơ sở dự báo nhập siêu ở mức 6-7 tỷ USD trong năm 2015.

Như vậy, diễn biến nhập siêu trong những tháng đầu năm không cách quá xa so với dự báo của NHNN. Mặc dù vậy, những diễn biến bất ngờ của tỷ giá dường như lại nằm ngoài dự liệu. Cho đến nay NHNN đã phải điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ cam kết.

Trong tuần qua, nhiều thông tin cho rằng NHNN đã bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán khoảng 200 triệu USD cho các NHTM với tỷ giá 21.820 đồng/USD, tương đương tỷ giá của Vietcombank. Đây là lần đầu tiên NHNN bán ngoại tệ trong năm nay.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, đây không phải số lượng lớn bởi khối lượng giao dịch hàng tuần trên thị trường liên NH bình quân 2 tỷ USD. SSI tổng hợp từ các NH cho thấy mức âm trạng thái ngoại hối của hệ thống NH vào khoảng 1,2 tỷ USD, thấp hơn mức âm tối đa là 4,78 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng mức âm 1,2 tỷ USD là một mức đáng kể và sẽ tác động mạnh lên tỷ giá. Việc NHNN bơm tới 200 triệu USD vào thị trường ngoại hối liên NH bước đầu có thể bình ổn tỷ giá, song sẽ khó giữ được lâu dài vì hiện có nhiều nguyên nhân có thể tiếp tục làm cho tỷ giá biến động.

Một trong những nguyên nhân vị chuyên gia này chỉ ra là lợi suất tiền đồng thấp hơn có thể tăng áp lực lên tiền đồng. Bên cạnh đó nhập siêu được dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh dù một phần lớn ngoại tệ bù đắp cho nhập siêu tài trợ bằng vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng phải tính tới là đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác.

Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá VNĐ/USD. Như vậy, sức ép nhập siêu và một loạt nguyên nhân khác là điều không thể phủ nhận và dường như sức ép này ngày càng lớn. Trao đổi với ĐTTC, vị chuyên gia nói trên đặt câu hỏi là NHNN sẽ còn phải bán bao nhiêu ngoại tệ nữa và chính sách này liệu đã tối ưu với nền kinh tế hay chưa?

Các tin khác