Nhật Bản loay hoay tăng trưởng bền vững

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh trong quý II-2014. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa thể tìm được lời giải cho bài toán tăng trưởng vững chắc với chính sách Abenomics.

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh trong quý II-2014. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa thể tìm được lời giải cho bài toán tăng trưởng vững chắc với chính sách Abenomics.

GDP của xứ Phù Tang trong quý II giảm 1,8% so với quý I. Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011. Với đà này, GDP cả năm 2014 của Nhật Bản có nguy cơ giảm tới 7%. Nguyên nhân chính là sự giảm sút về tiêu thụ và đầu tư do thuế VAT tăng từ 5% tăng lên thành 8% kể từ ngày 1-4-2014.

Chỉ số tiêu thụ và đầu tư tại Nhật Bản giảm hơn 5% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2014. Việc tăng thuế VAT xuất phát từ việc nợ công của Nhật Bản lên cao, tương đương 240% GDP. Tăng thuế là hình thức kêu gọi mọi nguời cùng chia sẻ gánh nặng nợ nần với nhà nước. Nhưng biện pháp này đã nảy sinh các tác động tiêu cực.

Trong quý I, thời điểm trước khi thuế VAT tăng, người dân đua nhau mua sắm. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng mạnh và mức tiêu thụ tăng cao. Nhưng sang đến quý II, chỉ số tiêu thụ giảm mạnh. Thêm vào đó các doanh nghiệp giảm mức đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt thận trọng trong 3 tháng qua chờ đợi xem việc tăng thuế VAT tác động thế nào tới cách chi tiêu của người dân. Theo một số dự báo của các chuyên gia kinh tế, đà phục hồi trong quý III chưa chắc sẽ như mong muốn của chính phủ Nhật Bản. Sản xuất công nghiệp tại Nhật sau khi đã giảm mạnh đến 3,4% trong tháng 6-2014, bước sang tháng 7-2014 mới chỉ tăng thêm có 0,2%, tức là vẫn còn rất thấp so với chờ đợi của Tokyo.

Những tín hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba toàn cầu bị chựng lại trong quý II đã gây nhiều lo ngại. Thủ tướng Abe vẫn được hơn 50% dân chúng tín nhiệm, nhưng nhiều người từng hăng hái ủng hộ chính sách Abenomics bắt đầu hoài nghi. Trở lại cầm quyền tháng 12-2012, Thủ tướng Abe thiết kế chương trình vực dậy kinh tế của mình trên 3 trục chính, mà ông gọi là 3 mũi tên.

Thứ nhất, nới lỏng ngân sách nhà nước để bơm tiền vào guồng máy kinh tế, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Thứ hai, huy động Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) mở van tín dụng với 2 dụng ý: phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và cố tình đẩy vật giá leo thang, chấm dứt giảm phát. Cuối cùng là đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển lâu dài. Cụ thể, cải tổ cơ cấu để đem lại khả năng cạnh tranh lớn hơn cho đất nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo cần phải giải quyết núi nợ đã tương đương gần 250% GDP; mở cửa kinh tế để kích thích khả năng cạnh tranh từ lĩnh vực y tế đến nông nghiệp; cải tổ thị trường lao động, khuyến khích nữ giới đi làm và đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động kinh tế, sản xuất của Nhật Bản; thành lập những đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, một trong những lý do chính giải thích cho sự chưa thành công của chính sách Abenomics là tới nay, đồng lương của người dân vẫn chưa tăng. Trong khi đó đây là một vế quan trọng trong chiến lược của ông Abe. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động-Xã hội cho thấy, từ đầu năm tới nay, mức lương trung bình tăng 2,6% và đây là mức tăng cao nhất trong 17 năm qua.

Tiêu dùng sụt giảm là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản chững lại.

Tiêu dùng sụt giảm là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản chững lại.

Dù Thủ tướng Abe đã huy động toàn lực, đã sử dụng tất cả đòn bẩy trong tay để vực dậy kinh tế nhưng những thành quả đạt được tới nay vẫn bị cho là còn quá mong manh. Trong một vài tuần lễ nữa Tokyo sẽ chính thức công bố một chương trình hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 36 tỷ EUR để tiếp sức thêm cho giới doanh nghiệp và tư nhân. Song để thành công ông Abe cần thúc đẩy tiến trình cải tổ. Chính sách Abenomics coi như cơ hội cuối cùng thực sự có thể đưa Nhật Bản trở lại với tăng trưởng và giải quyết dứt điểm nạn giảm phát. 

Các tin khác