Chuẩn bị bước sang năm mới 2020, nhiều hãng lữ hành đang “tăng tốc” cho ra các sản phẩm du lịch ấn tượng nhằm thu hút khách.
Xây dựng sản phẩm hợp thị hiếu
Năm 2019, ngành hàng không chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu như Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Vietstar... Những hãng hàng không mới được thành lập, cùng với các hãng hàng không thành lập trước đây, đều mở đường bay thẳng quốc tế. Các chuyến bay charter quốc tế tới Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... đã làm tăng đột biến lượng khách quốc tế vào mùa cao điểm của thị trường Inbound (đưa khách đến Việt Nam) trong thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Phú Dũng, Phó Giám đốc Khối du lịch quốc tế Lữ hành Saigontourist, cho biết tùy theo từng thị trường, Saigontourist sẽ tìm hiểu, nắm bắt xu hướng du lịch của khách để xây dựng sản phẩm tham quan phù hợp.
Du khách tham quan di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TPHCM.
Ngoài sản phẩm truyền thống, Saigontourist đang xây dựng các sản phẩm chuyên biệt phục vụ du khách quốc tế, như sản phẩm du lịch đường sông tham quan các điểm đến tại TPHCM và khu vực lân cận bằng tàu cao tốc gồm tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn (tour 2 - 3 giờ), tour tham quan địa đạo Củ Chi, Cần Giờ (TPHCM), tour tham quan Bình Dương, ĐBSCL; chương trình giao lưu với các nghệ nhân nổi tiếng, tham quan, trải nghiệm thực tế; các tour trải nghiệm khám phá Sài Gòn và khu vực lân cận bằng các phương tiện đặc biệt (xe Vespa cổ)…
Cách nay vài ngày, một số khách sạn 5 sao của TPHCM đã giới thiệu nhiều món ăn đặc sản địa phương tới khách quốc tế, tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị về thưởng thức ẩm thực để khách ở lại lâu hơn. Chẳng hạn, khách sạn Grand Saigon đưa các món ăn dân dã, đặc sản nhiều vùng miền vào thực đơn, như: hủ tiếu Mỹ Lồng (Bến Tre); bánh hỏi thịt nướng, cháo lòng Gò Công (Tiền Giang); hủ tiếu bắp chìa Đắk Lắk; súp lươn Nghệ An…
Đa dạng hóa thu hút nguồn khách quốc tế
Để đa dạng hóa thu hút nguồn khách du lịch quốc tế, các hãng lữ hành sẽ tăng cường tham gia hội chợ, roadshow du lịch tại các thị trường trọng điểm. Tiêu biểu như Hội chợ ITB tại Đức, IFTM Top Resa (Pháp), MITT (Nga), UITT (Ukraine), Cruise Shipping Miami (Mỹ)... vì đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung đến các thị trường quốc tế. Song song đó là củng cố, phát triển thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương…; mở rộng mạng lưới đối tác tại các khu vực, thị trường du lịch nhiều tiềm năng như Đông và Trung Âu, khu vực Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, châu Phi, Nam Mỹ…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến từ khu vực châu Á tăng mạnh và chiếm gần 80% trong tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam; trong số này, khách đến từ Thái Lan tăng tới 146%.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, chia sẻ công ty đang đầu tư nhiều hơn nữa cho thị trường khách đến từ các quốc gia châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Ấn Độ, thị trường có số dân số lớn thứ 2 trên thế giới và có dòng khách cao cấp với mức chi tiêu cao.
Những sản phẩm được giới thiệu, tập trung vào tour trải nghiệm, khám phá văn hóa, ẩm thực bằng chất lượng dịch vụ cao cấp… Ví dụ, cũng là tour du lịch Đông Bắc, Tây Bắc nhưng khách không phải “cưỡi ngựa xem hoa” cho vui, mà được trải nghiệm ẩm thực, lối sống bản địa của đồng bào dân tộc vùng cao một cách chân thực, sinh động...
Xu hướng du lịch tự túc đang ngày càng nhiều. Du khách tự tìm hiểu thông tin, tự tổ chức các chuyến du lịch, tự đặt vé máy bay, đặt trực tiếp khách sạn hoặc qua các trang web bán phòng trực tuyến. Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng song song với lượng khách đoàn thì đối tượng khách đi lẻ cũng rất tiềm năng, mang lại nguồn thu đáng kể nếu ngành du lịch biết cách khai thác và đáp ứng nhanh chóng, nhạy bén trước sự biến đổi nhu cầu của khách hàng và thị trường.