Trong báo cáo vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là 1.343,33 ngàn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020.
Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP (tương ứng 16,6% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh; nghĩa là thấp hơn tỷ lệ 21% của mục tiêu giai đoạn 2016-2020).
Cơ quan kiểm toán lưu ý, có 39 địa phương dự báo nguồn thu nội địa năm 2021 thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân chung cả nước; 20 địa phương dự báo nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp hơn mức tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020; một số địa phương chưa đánh giá đầy đủ kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu năm 2020 theo quy định làm cơ sở lập dự toán thu năm 2021, chưa xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật thuế GTGT.
Trong cơ cấu thu cụ thể, Chính phủ dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2021 là 111,4 ngàn tỷ đồng, bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2020 (năm 2020, dự toán khoản thu này là 95,9 ngàn tỷ đồng, ước thực hiện đang là 121 ngàn tỷ đồng tăng 26,2%). Dự toán thu từ dầu thô là 23,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối NSNN, giảm 9,3 ngàn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2020, bằng 71,4% so với dự toán năm 2020. Dự toán được lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng.
Về chi NSNN, Kiểm toán Nhà nước lưu ý, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 là 477,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN, tăng 6,7 ngàn tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Tuy nhiên, Báo cáo lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của nhiều bộ, cơ quan trung ương tăng cao từ 40%-126% so với dự toán năm 2020; lập kế hoạch vốn chưa bám sát quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.
Số dư vốn ứng trước còn phải thu hồi trong giai đoạn sau năm 2020 cũng rất lớn, tới trên 53.072 tỷ đồng. “Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và có giải pháp phù hợp trong việc thu hồi vốn ứng trước của Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025”, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Số nợ xây dựng cơ bản (XDCB) là gần 7.856 tỷ đồng, số đã thanh toán nợ XDCB trong 5 năm 2016-2020 là hơn 7.633,4 tỷ đồng (đạt 97%) và số còn lại chưa bố trí trong năm 2020 là 222,562 tỷ đồng, song trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Chính phủ chưa đề cập về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đối với việc phải bố trí vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng XDCB theo quy định.
Kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có nhiều tồn tại bất cập trong việc giao kế hoạch và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Như bố trí vốn ứng trước chưa đảm bảo quy định; giao vốn cho dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng Bộ Giao thông - Vận tải chưa báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội theo quy định; vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng XDCB mới trong năm 2019 với số tiền 1.922,3 tỷ đồng…