Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 9-5. Theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, đơn cử như các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn.
Điều này đã ảnh hưởng dây chuyền tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, nhất là hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau cũng như tác động tới niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng trường hợp TPHCM, giai đoạn 2018-2021, trung bình mỗi năm TPHCM cấp phép cho khoảng 70 dự án bất động sản. Nhưng trong 2 năm vừa qua, TPHCM chỉ cấp phép có 8 dự án, còn lại đều “án binh bất động”.
Trước đó, ngày 8-5, trong “Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan này cũng nhận định, những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp.
Tình trạng này dẫn đến thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.