Bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Trẻ mắc cúm A tăng cao
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vài tuần trở lại đây số trẻ nhỏ mắc cúm A phải nhập viện điều trị tăng cao bất thường. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp trẻ bị cúm A. Tại một số bệnh viện ở Hà Nội cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A là người lớn. Hiện nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 10 bệnh nhân mắc cúm A trong tình trạng khá nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời điểm này các năm trước dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ xuất hiện sau đó mới đến cúm A nhưng năm nay đảo ngược lại. Nhiều bệnh nhân cúm A tới bệnh viện trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi, thậm chí nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng đã có tổn thương phổi. Tuy nhiên, bệnh này nếu điều trị kịp thời, đúng cách, chỉ sau 5-7 ngày bệnh nhân có thể khỏi bệnh.
Trước số người mắc cúm A tăng đột biến giữa mùa hè, nhiều chuyên gia y tế cho rằng có thể do biến đổi bất thường về thời tiết. Cùng với đó, bệnh cúm mùa rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát, đũa).
Theo các bác sĩ, đa số trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Giai đoạn đầu, bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong, đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Vì thế, khi thấy các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở dù đã dùng thuốc cảm cúm thông thường không đỡ, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm não, tay chân miệng, cúm mùa gia tăng
Thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Riêng 1 tháng qua, cả nước có tới 49 trường hợp mắc viêm não virus. Viêm não virus là bệnh nguy hiểm, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu.
Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, trẻ đang khỏe mạnh có thể sốt cao 39-40oC, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh truyền nhiễm thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm nên hậu quả để lại nghiêm trọng.
Ngoài viêm não, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại các bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.