Sản xuất hàng may xuất khẩu.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp, trong năm 2020, Quốc hội và Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua một năm đầy sóng gió.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp cao su-nhựa không lớn. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm như săm lốp xe, găng tay y tế… khá tốt, trong khi giá nguyên vật liệu ổn định đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành làm ăn có lãi hoặc doanh thu ổn định.
Tuy vậy, nhiều thời điểm trong năm dòng tiền của các doanh nghiệp trong ngành bị gián đoạn, do hiệu ứng domino. Dù bán được hàng, nhưng việc thanh toán của các đối tác kéo dài hơn khiến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, các chính sách hỗ trợ về thuế như giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng trong năm 2020 thực sự rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp cao su-nhựa, khi mà đại đa số doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền thì việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đã đáp ứng “trúng” mong muốn của doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động.
Ngoài ra việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng đã kịp thời giúp doanh nghiệp khi dòng tiền bị gián đoạn do dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Cục Thuế thành phố cũng đã tiếp nhận 28.247 giấy đề nghị gia hạn của tổ chức, doanh nghiệp; 24.511 giấy đề nghị của hộ, cá nhân kinh doanh và giải quyết gia hạn nộp theo các chính sách của Chính phủ là 19.902 tỷ đồng; trong đó, tiền gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp là 8.890 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là 7.788 tỷ đồng; tiền thuế tiêu thụ đặc biệt 2.162 tỷ đồng; tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 682 tỷ đồng…
[Để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp: Vẫn chưa trúng đích]
Đối với việc thực hiện giảm thuế theo các chính sách khác của Quốc hội và Chính phủ, trong năm 2020 Cục Thuế thành phố đã triển khai các giải pháp hỗ trợ với tổng số thuế đã giảm là 6.489 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với chính sách giảm 30% thuế thu nhận doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị quyết số 116/2020/QH14, Cục Thuế thành phố đã giảm 4.122 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với doanh nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP, Cục Thuế thành phố đã giảm với số tiền 550 tỷ đồng...
Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ liên quan đến chính sách thuế đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh.
Để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn về thuế cho doanh nghiệp; nhất là xem xét tiếp tục triển khai chính sách gia hạn thuế cho các doanh nghiệp tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Riêng nhóm doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét kéo dài thời gian giãn thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2021, để các doanh nghiệp trong ngành có thêm nguồn lực tài chính duy trì hoạt động, triển khai hoạt động kinh doanh khi thị trường phục hồi.
Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) đề xuất cần có thêm những chính sách hỗ trợ về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% hiện nay xuống 5% để khuyến khích người dân đi du lịch nội địa.
Thực tế trong năm 2002, Nhà nước cũng từng có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5%. Điều này đã giúp các doanh nghiệp du lịch có nguồn lực để giảm giá tour, khuyến khích người dân đi du lịch nhiều hơn, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội phục hồi nhanh hơn…