Ngày đầu TPHCM triển khai thắt chặt giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa kịp thích ứng. Trong đó, khó khăn nhiều nhất vẫn tập trung ở các DN thuộc ngành logistics và sản xuất lương thực, thực phẩm.
Tăng ca, choàng việc
Sáng 23-8, rất nhiều đại diện DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm và logistics có mặt tại trụ sở Sở Công thương TPHCM, để xin cấp giấy đi đường cho nhân viên.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết ngày 22-8, Sở Công thương đã tích cực cấp giấy đi đường cho các DN, nhưng do mẫu giấy cấp bị thay đổi nên có nhiều DN không kịp trở tay. Đến sáng 23-8, các DN mới được cấp lại mẫu giấy mới, hợp lệ.
Tương tự, Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức cũng gặp khó khi số lượng cán bộ, công nhân đi làm bị hạn chế đột ngột.
Ông Lê Phúc Hiền, Tổng Giám đốc Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức, chia sẻ toàn nhà máy được cấp 5 giấy đi đường - số lượng quá ít so với yêu cầu nhân lực cho công việc. Trước mắt, nhà máy phải ưu tiên cho nhân viên bảo trì đường ống cấp nước và vận hành, xử lý trạm bơm nước.
Cũng theo ông Lê Phúc Hiền, việc đảm bảo cung ứng nước sinh hoạt cho người dân là nhiệm vụ tối cao. Những hư hỏng, dù nhỏ nhất, cần phải khắc phục ngay để tránh phát sinh lỗi lớn, dẫn đến buộc phải ngừng cấp nước, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Với tỷ lệ cấp giấy đi đường hạn chế như hiện nay, công nhân phải tăng ca 200%, nhằm choàng gánh cho sự thiếu hụt nhân sự trong thời gian TPHCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Ở nhóm ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, quy định “ai ở đâu thì ở đó” không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của các DN.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, chia sẻ, trước 0 giờ 23-8, nhiều DN trong Hiệp hội Cơ khí - Điện TPHCM đã nhập kho thêm nguồn nguyên liệu sản xuất; đồng thời tăng cường giao hàng trong ngày 21 và 22-8.
Thậm chí, trong ngày 22-8, nhiều DN đã giao hàng chuyến cuối cùng vào lúc 23 giờ. Do vậy, trong ngày đầu thực hiện quy định thắt chặt giãn cách xã hội phòng dịch, người lao động của các DN nhóm này ở trong nhà máy để tập trung sản xuất.
Quy định cần linh hoạt hơn
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho người lao động ở DN, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, lý giải thời gian cấp giấy đi đường cho nhân viên các công ty quá gấp nên sở không thể xoay trở nhanh hơn được. Đó là lý do mà sáng 23-8 vẫn còn nhiều DN chưa nhận được giấy đi đường.
Hiện đã công khai phương thức đăng ký trực tuyến, bằng cách gửi đường link tới DN. Trong đó, hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào thuộc thẩm quyền cấp phép của sở hoặc quận huyện để DN biết và đăng ký.
Đại diện DN cho rằng, những DN sản xuất hàng hóa không thiết yếu và chỉ giao hàng theo đơn đã chốt, có thể linh động giao trước hoặc sau. Nhưng với ngành hàng sản xuất thực phẩm tươi sống phải thực hiện giao hàng cho siêu thị hàng ngày, hoặc những DN sản xuất nhưng kết hợp với mô hình thương mại, có nhân viên bán hàng tại các siêu thị, các công ty logistics… thì không thể hoạt động được với số người lao động hạn chế như trên.
Nhiều DN kiến nghị, sau 2-3 ngày tới, tùy tình hình thực tế, các cơ quan chức năng nên xem xét và điều chỉnh để phù hợp với mỗi loại hình sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận chuyển…
Ông Trương Tiến Dũng góp ý thêm, hiện nay việc thiết kế các combo giao hàng gọn, tổng hợp tại các địa phương khi thực hiện mô hình “đi chợ giùm dân” đã phần nào giảm sức ép giao hàng cho các hệ thống phân phối, DN. Tuy nhiên, thành phố cũng cần đánh giá, cập nhật thường xuyên sức mua của người dân trong thời gian tới, để các DN có thêm thông tin, từ đó chủ động cung cấp hàng phù hợp.