Lợi nhuận đột biến trong quý II
Theo báo cáo tài chính bán niên 2021 của Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất dầu khí (DPM), doanh thu trong kỳ tăng 34,3%, đạt 2.980 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 684 tỷ đồng, tăng đến 125,7%.
Đáng chú ý, DPM ghi nhận 99 tỷ đồng lợi nhuận khác, gồm 91 tỷ đồng tiền bảo hiểm tổn thất hoạt động kinh doanh; điều chỉnh giảm 132 tỷ đồng chi phí theo ý kiến kiểm toán, gồm 49 tỷ khấu hao liên quan đến nhà máy NH3 - NPK, và 83 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng nhà máy Ure.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của DPM đạt mức tăng trưởng trong kỳ tốt nhờ giá Ure và NH3 duy trì mức cao. Trong đó, mảng Ure ghi nhận doanh thu trong quý II lên đến 1.583 tỷ đồng (tăng 15,4%), biên lợi nhuận gộp duy trì mức 36%. Tương tự, biên lợi nhuận gộp mảng NH3 đạt 48%, so với mức chỉ 25% cùng kỳ năm ngoái.
Với việc nhà máy bảo dưỡng trong tháng 4 và tháng 5, sản lượng bán hàng của DPM giảm 20,7% và chỉ còn 183.000 tấn trong quý II. Tuy nhiên, giá bán Ure tăng 46% đã giúp doanh thu tăng 15,4%.
Do DPM hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ trong quý I nên biên lợi nhuận duy trì mức cao 36% cho dù giá khí tăng trong suốt quý II.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận của DPM sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý III. Tuy nhiên, do không còn đóng góp của các khoản đột biến nên sẽ lợi nhuận này vẫn thấp hơn với quý II vừa qua.
Đối với mảng Ure, sản lượng tiêu thụ kỳ vọng ở mức 180.000 tấn và giá bán 11.000 đồng/kg, tăng đến 80,8%, biên lợi nhuận gộp sẽ ở mức 31%. Mảng NPK, sản lượng tiêu thụ và giá bán kỳ vọng ở mức 40.000 tấn (tăng 55%) và 10.000 đồng/kg (tăng 16,2%), biên lợi nhuận gộp ở mức 11%.
Với những giả định trên, doanh thu trong quý III của DPM được kỳ vọng tăng gần 39%, đạt mức 2.716 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khoảng 407 tỷ đồng, tăng 123,6%.
Giá CP tăng vượt giá trị thật?
Do EPS năm 2022 dự phóng đạt 2.453 đồng, tương ứng với P/E dự phóng 2022 là 14,7x, cao hơn so với mức P/E trung bình 3 năm là 11x. Vì vậy, VDSC khuyến nghị NĐT chốt lời tại mức giá trên.
Tuy nhiên, trái với dự báo thận trọng của giới phân tích, DPM vẫn “lừng lững” đi lên trong bối cảnh thị trưởng rất xấu.
Cụ thể, trong 2 phiên giao dịch gần đây, dù VN Index sụt giảm mạnh khi NĐT hoảng loạn bán tháo, thì DPM lại ngược dòng tăng lên mức 37.200 đồng/CP. So với mức giá thời điểm đầu năm 2021 là 19.000 đồng/CP, thì DPM ghi nhận mức tăng xấp xỉ 100%.
Theo CTCK Sài Gòn (SSI), hạn chế sản xuất trong bối cảnh bị gián đoạn do Covid-19, trong khi giá đầu vào (nguyên liệu, cước vận chuyển) tăng mạnh đã đẩy giá phân bón trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng liên tục tăng cao.
Một yếu tố thuận lợi nữa với các doanh nghiệp phân bón trong nước là do nguồn cung Ure tại Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm 2021, do khan hiếm nguyên liệu đầu vào là than.
Những yếu tố này chính là động lực giúp cho nhóm CP phân bón, trong đó có DPM, trở thành hàng nóng, bất chấp tác động tiêu cực từ thị trường chung.