Những con “sóng ngành” được tung ra
Hàng trăm ngàn NĐT F0 gia nhập thị trường mỗi tháng cũng thổi bùng lên nhu cầu tham gia các hội, nhóm đầu tư. Các nhóm này thường được lập qua facebook, zalo, có phí hoặc không phí.
Điểm chung là những người cầm trịch nhóm đưa ra những đánh giá về CP, cơ hội đầu tư, chốt lời. Phần nhiều các hội nhóm như vậy đều thực hiện hô hào về “sóng CP” nhóm ngành nào đó.
Sau con sóng khổng lồ của CP ngân hàng, CP thép và CP chứng khoán, NĐT được cổ vũ từ các hội nhóm, bắt đầu đi săn tìm các con sóng CP ngành khác. Trên thị trường vẫn luôn có một hiện tượng được gọi là “luân chuyển nhóm ngành” (sector rotaion), khi dòng tiền dịch chuyển từ nhóm CP ngành này sang ngành khác dựa trên dự đoán về tính chu kỳ.
Tuy vậy thị trường Việt Nam hiện tại có dòng tiền mới quá lớn, nên sự luân chuyển này bỗng chốc trở thành trào lưu săn tìm CP cùng ngành, bất kể doanh nghiệp có được hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng hay không. Lối giao dịch đầu cơ này bùng phát ào ạt như một đám đông nhào vào mua một loạt CP hoạt động na ná nhau trong một lĩnh vực, với cùng một hy vọng rằng giá sẽ tăng và bán lại được cho các NĐT đến sau.
Một thí dụ rất rõ những phiên vừa qua là liên tiếp các “con sóng” được các hội nhóm đặt tên: “sóng ngân hàng”, “sóng chứng khoán”, “sóng thép”, “sóng dầu khí”, “sóng thủy sản” và gần đây nhất là “sóng mía đường”, “sóng... phân (bón)”.
Không hề có yếu tố cơ bản mang tính luân chuyển nhóm ngành theo chu kỳ, các “con sóng” này thuần túy được đặt tên hoặc dựa trên một số thông tin hỗ trợ khả dĩ hợp lý để giải thích cho hiện tượng. Chẳng hạn, giá dầu tăng vọt từ đầu tháng 5 tới nay được cho là sẽ hỗ trợ giá CP dầu khí tăng.
Và quả thực vậy, nhiều mã dầu khí tăng khá tốt: GAS từ đầu tháng 5 đến cuối tuần qua tăng hơn 12%, PVS tăng gần 14%, BSR tăng hơn 21% nhưng cũng có mã tăng rất ít như PVD chỉ tăng khoảng 5%.
“Sóng thủy sản” cũng vậy, bất ngờ bùng phát dựa trên số liệu về xuất khẩu thủy sản 5 tháng cũng như một vài nhận định từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản hay công ty chứng khoán. Tuần qua CP thủy sản nhiều mã tăng rất mạnh, thậm chí có ngày kịch trần như ANV, FMC hay VHC.
“Sóng CP phân bón” thậm chí còn mới toanh từ 2-3 phiên cuối tuần khi giới đầu tư “tìm thấy lại” thông tin các doanh nghiệp phân bón có thể được khấu trừ toàn bộ 10% thuế giá trị gia tăng cho các chi phí đầu vào, dù trước đó giá phân bón tăng vũ bão trên thị trường và thông tin này cũng đã xuất hiện.
Hay như “sóng CP mía đường” đột ngột khởi động trong 2 phiên cuối tuần khi Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu từ Thái Lan với mức thuế 47,64% trong thời hạn 5 năm, có hiệu lực từ ngày 16-6.
Và cơn khát lướt sóng
Và cơn khát lướt sóng
Đặc điểm của những “con sóng” CP ngành nói trên luôn có ít nhất 2 điểm chung. Đầu tiên là thông tin mang tính điểm tựa được lan truyền. Thông tin này thường là chính xác, nhưng không hàm ý yếu tố bất ngờ mà được nhìn nhận dưới góc độ cơ bản dài hạn là chính.
Thứ hai là sự bùng nổ của một hoặc hai CP tín hiệu đại diện cho nhóm ngành. Điều này quan trọng vì không phải tất cả các CP nhóm ngành đều được phát hiện, thậm chí nhiều mã NĐT còn không biết tên hoặc được đăng ký giao dịch tận UPCoM.
Yếu tố thứ hai nổi trội trong thời điểm “sóng chồng lên sóng” hiện tại vì dễ gây chú ý nhất và có tính thuyết phục cao nhất. Thí dụ, “sóng CP thủy sản” thực chất là 1-2 phiên tăng kịch trần của CP ANV, VHC hay FMC. “Sóng CP phân bón” là phiên tăng mạnh của DPM hay DCM. “Sóng CP mía đường” là biến động giá của LSS hay SBT.
Từ các CP tín hiệu này, các hội nhóm chat bắt đầu lan truyền thông tin về “con sóng thần” của nhóm ngành nào đó xuất hiện. NĐT bắt đầu “đào bới” các CP cùng hoạt động trong lĩnh vực đó ở bất kỳ sàn nào, từ HoSE tới HNX rồi vòng sang cả UPCoM.
Thí dụ nhảy “sóng phân (bón)” thì khi DCM, DPM tăng nóng khó chen chân, NĐT sẽ tìm đến cả VAF, SFG hay cả PSW, những CP gần như không có thanh khoản suốt thời gian dài.
Vì sao NĐT đột nhiên ùn ùn kéo nhau tìm kiếm và “nhảy sóng” vào thời điểm này? Nếu tham gia vào các hội nhóm chứng khoán, không khó để cảm nhận một không khí hừng hực “tìm sóng” của các NĐT. Một trong những lý do rất dễ thương là rất nhiều NĐT mới không biết phải đầu tư CP nào, nhưng lại rất thích kiếm tiền nhanh.
Do đó nhảy sóng theo bang hội là cách dễ nhất và quả thực là hiệu quả nhìn thấy ngay từng ngày. Con số NĐT F0 quá đông nên càng các nhóm ngành ít CP và thanh khoản các mã đó nhỏ, hiệu ứng giá càng mạnh.
Lý do thứ hai là thị trường vừa trải qua một con “sóng ngân hàng” vĩ đại. Nếu quan sát biểu đồ nói trên, có thể thấy “sóng ngân hàng” bắt đầu thoái trào từ đầu tháng 6 này, nhiều mã đã tạo đỉnh và điều chỉnh giảm, sau đó không phục hồi vượt đỉnh mới được.
Ngay lập tức thủy sản, phân bón, mía đường tăng bùng nổ. Phải nhấn mạnh rằng không phải đến lúc này các CP thuộc những nhóm ngành trên mới tăng giá. Xu hướng tăng đã có từ trước, cũng dựa trên đúng những lý do được nói đến nhiều hiện tại, nhưng khác biệt là cường độ tăng đột biến, thậm chí NĐT đua nhau mua giá kịch trần.
Có thể một yếu tố tâm lý ít được chú ý, là sự tham chiếu với “sóng ngân hàng”, khi giá CP đều tăng cực mạnh. Đặc biệt là lượng tiền đổ vào giao dịch các CP ngân hàng lên tới cả chục ngàn tỷ đồng mỗi ngày. Nếu ngân hàng “tắt sóng”, chỉ cần tưởng tượng lượng tiền đó đổ vào tạo sóng các nhóm ngành khác cũng đã đủ kích thích lòng tham.
Thực tế bất kỳ con sóng CP nào cũng phải dựa trên yếu tốt cơ bản, nhưng cường độ ở mỗi thời điểm luôn có tính đầu cơ rất cao. Ngay như CP ngân hàng, khi nửa cuối tháng 5, tất cả CP từ ngân hàng lớn đến nhỏ, bất kể chất lượng hay không đều tăng cực nhanh, nhiều mã ngân hàng nhỏ kịch trần liên tục. Đó lại là biểu hiện của một cao trào tạo đỉnh. Tính đầu cơ luôn là cái bẫy ở cuối mỗi nhịp quá đà như vậy.