Gam màu tối
Ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới. Bất lợi về giá vốn của các dự án thượng nguồn, khiến động lực đầu tư khai thác các mỏ dầu khí mới không liên quan tới lợi ích kinh tế, mà phụ thuộc vào định hướng của Chính phủ. Chính vì vậy, tình hình ngành dầu khí năm 2021 vẫn không mấy khả quan. Nhận định này phần nào được phản ánh qua kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) niêm yết. Nhiều DN trong ngành đã lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 với giả định giá dầu dưới 50USD/thùng, và đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng.
Dựa trên kỳ vọng của lãnh đạo các DN trong ngành, chúng tôi cho rằng 2021 sẽ không phải là năm của CP dầu khí. Một trong những điểm tích cực hiếm hoi của ngành đến từ thị trường khí hóa lỏng (LNG) thế giới. Việc giá LNG thế giới giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt năm 2020, đã giúp các nhà máy điện và một nhóm nhà sản xuất công nghiệp hưởng lợi do giá đầu vào giảm. Triển vọng ngành LNG cũng chính là trụ cột cung cấp công ăn việc làm cho chuỗi giá trị ngành dầu khí trong khoảng 10 năm tới. Chủ đầu tư các mỏ khí, thầu xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và nhập khẩu khí, nhà vận hành cảng, sẽ là những bên hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dùng khí thiên nhiên trong sản xuất điện và công nghiệp.
Không chỉ trong ngắn hạn, triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn tương đối u ám. Kỳ vọng về nhu cầu dầu khí toàn thế giới vốn đã không khả quan trước thời điểm bùng phát dịch do dư cung và chiến tranh thương mại, càng trở nên tiêu cực hơn do tác động của Covid-19. Nhu cầu đi lại sụt giảm, sức tiêu dùng kém do giảm thu nhập, đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp do giãn cách xã hội là 3 trong nhiều lý do ảnh hưởng lên triển vọng ngành dầu khí toàn cầu. Sau khi hợp đồng tương lai giá dầu giảm về âm giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội trong quý II-2020, giá dầu có phục hồi. Tuy nhiên, theo dự báo giá dầu năm 2021 nhiều khả năng dao động quanh mức 40-50USD/thùng.
Khó dự đoán
Khó dự đoán
Có thể dễ dàng nhận thấy, hoạt động ngành dầu khí bị tác động không nhỏ từ sự sụt giảm của giá dầu, nhất là hoạt động thượng nguồn. Do số lượng dự án mới không nhiều khiến triển vọng nhu cầu thế giới cũng khó dự đoán hơn. Điều này khiến các DN thượng nguồn không dám đẩy mạnh triển khai các dự án thăm dò và khai thác mới. Do vậy, giải ngân trong tương lai nhiều khả năng giảm, kéo theo sụt giảm giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của các DN xây lắp dầu khí. Thêm vào đó, sản lượng dầu thô và khí khai thác sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng dài hạn.
Từ thực tế trên có thể dự báo sản lượng khai thác chắc chắn sẽ giảm trong năm 2021. Cụ thể, theo dự phóng của Fitch Solutions, sản lượng dầu thô 2021 của Việt Nam giảm 4%, dựa trên kế hoạch 5 năm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động thay vì tăng quy mô khai thác. Do nguồn lực có hạn của tập đoàn kinh tế nhà nước, tăng trưởng sản lượng dầu thô trong dài hạn sẽ phụ thuộc việc thu hút vốn tư nhân vào ngành này.
Hiện tại Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc Nhà nước mở cửa cho dòng vốn tư nhân vẫn chưa thể sớm thực hiện. Như vậy, các DN trong chuỗi giá trị ngành dầu khí vẫn sẽ chưa thể kỳ vọng vào tăng trưởng nguồn công ăn việc làm trong vài năm tới.
Không dễ đầu tư
Không dễ đầu tư
Nhắc đến CP dầu khí không thể không nhắc đến DN đầu ngành là Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS). Trong chiến lược phát triển của GAS, các mỏ khí tự nhiên, đường ống dẫn khí, cảng LNG và các hợp đồng hợp tác với các nhà máy điện khí, được kỳ vọng mang lại tăng trưởng sản lượng cho bản thân DN cũng như cho cả ngành khí nói chung. Tuy nhiên, cho tới nay, mới có sự kiện Sao Vàng - Đại Nguyệt bắt đầu cung cấp khí đã hiện thực hóa. Trong khi đó, các dự án khác chỉ có thể đi vào hoạt động từ năm 2023 trở đi, bao gồm kho LNG Thị Vải và dự án mở rộng; các đường ống thu gom và vận chuyển khí; kho cảng LNG Sơn Mỹ cùng một loạt nhà máy điện khí, trong đó có Nhơn Trạch 3, 4. Bù lại hoạt động nhập khẩu LNG cũng được kỳ vọng sẽ sôi động do nguồn cung LNG dồi dào và giá rẻ từ các mỏ khí quốc tế.
Mặc dù lợi nhuận của hoạt động khai thác khí trong nước không cao, nhưng GAS vẫn có thể chuyển hướng sang khai thác thị trường LNG nhập khẩu, mà vẫn bảo toàn được vị thế là nhà cung cấp khí độc quyền cho các dự án hạ nguồn. Ngoài GAS, danh sách DN có thể hưởng lợi từ xu hướng LNG thế giới có thể kể đến như CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM). Đây là các DN có nhà máy sử dụng nguyên liệu đầu vào khí thiên nhiên và sẽ nới rộng được biên gộp khi giá khí đầu vào giảm.
Trong rổ CP ngành dầu khí, không có quá nhiều cái tên gắn liền với cụm từ “tăng trưởng năm 2021”. Do vậy, sẽ rất khó để NĐT chọn lọc ra các DN có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, cơ hội tích lũy vẫn có thể tới khi thị giá giảm mạnh, đặc biệt là những CP có tài chính lành mạnh, bao gồm dòng tiền tốt và có chính sách cổ tức tiền mặt ổn định cho cổ đông. NĐT có thể nắm giữ những CP này để đón sóng dầu khí khi giá dầu thế giới hồi phục bất ngờ trong năm 2021.
Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của các DN khai thác dầu thô và dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2021. Ngay như LNG là “ngôi sao” tăng trưởng trong tương lai, nhưng vẫn còn quá sớm để điểm tên những người hưởng lợi. |