Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tăng giá bình quân của các loại vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2022 tăng đáng kể. Cụ thể như giá thép tăng khoảng 30-40%, xi măng 15-20%, nhựa đường 15-20%, cát bê tông tăng 20%, đá xây dựng tăng 10%, đất đắp nền tăng 30-40%.
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ cửa hàng VLXD tại Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện nay, giá các loại VLXD đều tăng sau khi giá xăng dầu tăng mạnh, giá các loại vật liệu tăng trung bình từ 30-80% so với lúc giá xăng dầu chưa tăng.
Giá vật liệu, thiết bị xây dựng có biến động lớn gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi kết thúc dự án để đưa vào khai thác sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm cho biết, với những dự án bất động sản giai đoạn đầu thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, cập nhật giá gói thầu, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nguy cơ làm vượt giá gói thầu, vượt dự toán xây dựng, vượt tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư và dự án, cân đối lại nguồn vốn và kế hoạch bố trí vốn.
“Nguồn vốn phát sinh của các dự án bất động sản chuẩn bị triển khai sẽ có thể lên tới 10 - 20% như vậy lợi nhuận và hiệu quả dự án giảm xuống. Nhiều chủ đầu tư có thể tạm thời dừng thực hiện để chuẩn bị bố trí thêm vốn và chờ thời điểm thuận lợi hơn.
Với các dự án bất động sản đang thi công, giá vật liệu xây dựng tăng sẽ khiến các nhà thầu, đơn vị thi công gặp khó khăn khi hợp đồng ký kết thường là những hợp đồng cố định mức giá, nhiều nhà thầu đơn vị thi công phải bù lỗ, có những đơn vị bỏ vì không thể làm và chấp nhận phạt hợp đồng” - ông Minh nói.
Tình trạng này cũng sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, nhà thầu buộc phải thi công cầm chừng chờ giá VLXD giảm và hệ lụy là chậm thời gian hoàn thành dự án, tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng công trình cũng như giảm hiệu quả đầu tư xây dựng, kế hoạch phát triển đối với dự án mà địa phương đề ra.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam có cùng quan điểm cho rằng, việc giá vật liệu liên tục tăng cao sẽ khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”. Thậm chí nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng thi công và chịu nộp phạt, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản vì gây khó khăn về nguồn cung.
"Giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu và một số phụ gia khác đã đẩy giá xi măng gần gần đây tăng. Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng khoảng 10% như gạch, cát…, đặc biệt với giá thép tăng tới 40%, doanh nghiệp xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng" - ông Đính cho hay.
Cần có giải pháp chính sách để điều tiết đối với ngành vật liệu xây dựng nhất là với hạng mục sắt thép và xi măng, bởi đây là nguồn cung chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng, gây ảnh hưởng tới các nhà thầu, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói. Về lâu dài chúng ta cũng cần tìm cách để có thể chủ động đối với thị trường vật liệu xây dựng từ khâu tự sản xuất đến cung ứng, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài, ông Đính phân tích thêm.