Tình hình nợ xấu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng để xử lý được tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu lại hết sức khó khăn, vì NH không thể đơn phương bán tài sản thế chấp.
Phó tổng giám đốc một NH cho rằng, chưa bao giờ NH phải khổ sở đòi nợ doanh nghiệp như hiện nay, phải đi năn nỉ con nợ trả nợ nhưng cũng không dễ dàng thu hồi được nợ vay. Bởi đầu ra không có, hàng hóa sản xuất không thể tiêu thụ khiến khoản vay của doanh nghiệp nhanh chóng rơi vào vùng nợ xấu.
Thực tế cho thấy, nợ xấu của các NH vẫn diễn biến phức tạp, nợ nhóm 2 chuyển xuống nhóm 3, nhóm 4 rất nhanh và khiến NH không kịp trở tay. Đơn cử như NH ở nhóm lớn là Sacombank có tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) tăng từ 1,45% lên 1,86% sau 3 tháng đầu năm nay. NH nhóm dưới như PGBank tỷ lệ nợ xấu sau khi giảm mạnh ở quý IV-2013 về dưới 3% đến cuối tháng 3-2014 đã lại bật tăng trở lại lên 4,1%.
Trước đây tôi đã từng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp bằng BĐS. Theo đó, các tài sản BĐS thế chấp trước đây giờ đem ra đấu giá thì giá bán cần được điều chỉnh xuống mức thấp chắc chắn sẽ có người mua. Vấn đề còn lại là tạo điều kiện cơ quan liên quan hỗ trợ NH. Bởi chưa có quốc gia nào việc giải quyết phát mãi tài sản thế chấp, nhất là tài sản đảm bảo bằng BĐS lại khó khăn, nhiêu khê như Việt Nam. TS. Trần Du Lịch |
Dù các NH đang tích cực xử lý nợ xấu, nhưng theo đại diện Agribank, trong quá trình giải quyết nợ xấu hiện nay gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong quá trình thi hành án rất phức tạp và tốn nhiều chi phí, thời gian.
Đáng chú ý là thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, giá giảm mạnh kéo theo giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm nhiều so với trước đây, trong khi khách hàng không đồng ý giảm giá tài sản đảm bảo xuống mặt bằng chung của thị trường hiện nay, nên rất khó phát mãi tài sản.
Trên thực tế, sau khi khoản nợ vay thành nợ xấu, cả con nợ và chủ nợ ra tòa, nhưng nếu không tìm được sự đồng nhất từ khách hàng phía NH cũng không thể đơn phương xử lý tài sản thế chấp. Tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết không chỉ khách hàng mà vướng cả cơ quan ban ngành.
Chẳng hạn dù đã có quy định cho phép NH được giữ nguyên hiện trạng tài sản khi phát mãi, nhưng các cơ quan chức năng lại bắt NH chuyển tình hình sử dụng từ đất ở sang đất dự án đầu tư mới đồng ý cho phát mãi, đã tạo ra khó khăn và bất hợp lý đối với NH trong phát mãi tài sản thu hồi nợ.
![]() |
Hiện nay để xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu hết sức khó khăn. Ảnh: LONG THANH |
Đại diện một NH khác cho hay, trước tình hình BĐS đóng băng và giảm giá hiện nay, trong quá trình xử lý tài sản thế chấp nếu không có người mua NH sẵn sàng mua lại khoản tài sản thế chấp đó. Tuy nhiên, phía cơ quan tài nguyên-môi trường lại không cho phép NH được lấy lại tài sản trong quá trình xử lý nợ xấu.
Thực tế, chưa một NH nào dám đơn phương bán tài sản thế chấp của khách hàng, cho dù con nợ đã bỏ trốn. Vì thế, quá trình xử lý nợ xấu rất nhiêu khê, kể cả khi NH đã nắm tài sản thế chấp và sớm có phương án xử lý khi nợ xấu chuyển sang nhóm 2, nhóm 3.
Một chuyên gia NH cho rằng, để xứ lý được nợ xấu cần đẩy mạnh xử lý tài sản đảm bảo do khách hàng vay không trả được. Vì thế, không chờ đợi sự thỏa thuận giữa NH và khách hàng diễn ra theo các lợi ích khác nhau, kéo dài tình trạng thanh lý tài sản đảm bảo chậm trễ. NH cần chủ trì vận động các NH khác mở rộng việc cho vay kích cầu đối với bên tiếp nhận mua tài sản, kể cả người Việt định cư ở nước ngoài.