Điều đó cho thấy việc tăng thu ngoài lãi là định hướng lớn của ngành NH. Song có vẻ các nhà băng vẫn còn hụt hơi trong việc mở cánh cửa ngách này.
Lợi nhuận vẫn phụ thuộc thu nhập lãi thuần
Đến hết ngày 30-10, đã có 28 NH hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III, với kết quả 10/28 NH ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng 13/28 NH báo lãi tăng. Các NH còn lại đều ghi nhận lợi nhuận đi lùi, cá biệt 1 NH bị lỗ trong quý III và cả lũy kế 9 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh cốt lõi là thu nhập lãi thuần giảm mạnh.
Chẳng hạn, BIDV là NH đầu tiên trong nhóm Big4 có lợi nhuận giảm trong quý III. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý này chỉ đạt 5.893 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Lý do đến từ việc thu nhập lãi thuần sụt giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng đi lên. Ở nhóm NHTMCP, rơi vào cảnh thu nhập giảm khiến lợi nhuận tuột dốc, gồm LPBank, SeABank, BacABank, VietABank, PGBank…
Vài năm gần đây, các NH đã đẩy mạnh mảng dịch vụ để giúp tăng tỷ trọng thu nhập từ ngoài lãi, nhằm cải thiện lợi nhuận, giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng. Song cho đến thời điểm này lợi nhuận nhiều NH vẫn dựa vào tín dụng. Như BIDV thu nhập ngoài lãi quý III đã tăng 18,7% lên 4.103 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 22% (đạt 1.764 tỷ đồng), nhưng cũng chưa đủ sức kéo lợi nhuận trong kỳ của nhà băng này thoát khỏi thế đi lùi.
Một trường hợp khác là LPBank, 2 cấu phần quan trọng là thu nhập lãi thuần và thu từ dịch vụ trong quý đều thấp hơn cùng kỳ, thu từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác tăng cũng không đủ bù đắp đà giảm chung. Điều này khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng trong quý III chỉ đạt hơn 1.770 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ 2022.
Hay tại Vietcombank, lợi nhuận trước thuế 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ, cũng chỉ nhờ nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 40.820 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là các minh chứng cho thấy, lợi nhuận của NH tăng trưởng hay giảm vẫn dựa vào việc có tăng được thu nhập lãi thuần hay không.
Dịch vụ từ bảo hiểm hết thời
Xét về cơ cấu, thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng (thu nhập ngoài lãi) bao gồm thu từ dịch vụ như thanh toán, thẻ, thu phí bảo hiểm… và các hoạt động khác như kinh doanh ngoại tệ, mua bán chứng khoán. Tuy nhiên, thu từ dịch vụ vẫn được xem là cửa ngách để các NH tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Nhận thức xu thế đó, các nhà băng đã sớm chuyển dịch sang bán lẻ để tăng hiệu quả bán chéo sản phẩm (thẻ tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ đầu tư, quản lý tài sản), đồng thời thực hiện chiến lược chuyển đổi số để tăng cường tệp khách hàng, bán dịch vụ, hướng đến mục tiêu để tăng thu ngoài lãi.
Thế nhưng, theo ghi nhận thu nhập từ dịch vụ của các NHTM vẫn có xu hướng trồi sụt không ổn định. Số liệu thống kê cho thấy, thu nhập từ phí và hoa hồng của các NHTM đã tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2018-2021 đạt 28,3%. 2 nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trưởng này là doanh thu bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh NH) và phí dịch vụ thẻ.
Trong đó, khoản phí thu được từ bancassurance đóng góp khoảng 31% vào tổng thu nhập phí và hoa hồng năm 2021 của các NH. Năm 2022, tổng thu nhập ngoài lãi tại các NH chiếm 124.489 tỷ đồng, tăng 11% so với 2021. Trong đó, thu từ dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn thu phi tín dụng.
Tuy nhiên, diễn biến năm 2023 lại cho thấy không phải NH nào cũng giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ. Điều này đã diễn ra sau khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ của các NH, chịu nhiều thách thức từ việc siết chặt các hành lang pháp lý của NHNN và Bộ Tài chính.
Từ quý II, thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance bắt đầu sụt giảm, trong đó có nhiều NH lớn ghi nhận mức giảm doanh thu bancassurance lên đến 50% so với năm trước. Tình hình đó khiến lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ lao dốc mạnh, không hỗ trợ được cho bức tranh lợi nhuận của nhiều nhà băng.
Ở mảng thanh toán, nhiều NH cũng có dấu hiệu rơi vào thế bí trong chặng đua tăng trưởng nguồn thu, sau khi cạnh tranh miễn giảm phí dịch vụ để lôi kéo khách hàng trong các năm 2021-2022.
Tăng các loại phí
Đáng chú ý, sau khi khó tăng thu ngoài lãi, các nhà băng đã rục rịch tăng phí. Theo đó, từ ngày 1-9, Sacombank, VPBank, VietinBank... điều chỉnh phí báo giao dịch qua tin nhắn SMS banking hàng tháng. Trước đó, TPBank, Eximbank, SeaBank, Bac A Bank… cũng tăng phí với dịch vụ này. Đồng thời, một số NH cũng tăng phí liên quan đến thẻ. Như Vietcombank từ ngày 1-7 đã tăng biểu phí các loại thẻ cá nhân, thẻ nội địa (ATM) và thẻ tín dụng.
Với thẻ cá nhân, mức phí kích hoạt thẻ tại quầy 20.000 đồng/thẻ; phí gửi thẻ trực tiếp 20.0000 đồng/thẻ thay vì miễn phí như trước… Hay từ 25-10 các loại phí liên quan đến thẻ của VIB cũng khá cao, như phí thông báo mất cắp/thất lạc thẻ 200.000 đồng/thẻ/lần, phí cấp lại PIN 50.000 đồng/thẻ/lần…
Hiện đẩy mạnh bán lẻ, mở rộng tệp khách hàng cá nhân để thu phí từ các dịch vụ bán chéo, dịch vụ thẻ để tăng thu dịch vụ vẫn là mục tiêu chung của các NH. Trong bối cảnh này, phí sử dụng dịch vụ của NH sẽ khó rẻ khi doanh thu từ mảng này có dấu hiệu sụt giảm. Nhìn rộng hơn, việc tăng thu ngoài lãi của các nhà băng được kỳ vọng nhiều, nhưng vẫn chưa có cơ sở để nguồn thu này tăng trưởng bền vững, và người dùng vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi khi các NH đi theo hướng này.
Đem thực tế đó đặt với mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NH lên 16-17% vào cuối năm 2025, câu hỏi đặt ra liệu các nhà băng có tận thu phí trong những năm tới?
Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng của các NH vẫn đang gặp nhiều khó khăn.