Nhiều quốc gia chống chọi "con nợ"

(ĐTTCO)-Đại dịch và những nỗ lực kìm chế nó đã đẩy hàng chục quốc gia vào khủng hoảng tài chính và nợ nần. Trước tình hình đó, nhiều định chế, tổ chức toàn cầu đang nỗ lực tìm cách giải quyết làn sóng khủng hoảng nợ có chủ quyền ở các nền kinh tế mới nổi trong năm tới. 
Người dân Nam Phi xếp hàng nhận cứu trợ lương thực.
Người dân Nam Phi xếp hàng nhận cứu trợ lương thực.
Nợ chất chồng
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo khoảng một nửa quốc gia có thu nhập thấp hiện đã rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Các nước này cần thêm hàng ngàn tỷ USD chi tiêu công để giúp phục hồi sau khủng hoảng, nhưng nguồn lực quốc gia đang thiếu hụt nghiêm trọng.
“Chúng tôi phải nhanh chóng hành động để cơ cấu lại các khoản nợ của họ, để cuộc khủng hoảng không bị lan sang phần còn lại của thế giới” - bà nói. Nhưng không chỉ nước nghèo nhất mới gặp rủi ro, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), gánh nặng nợ của 30 nền kinh tế mới nổi đã tăng ít nhất 30% so với tổng sản phẩm quốc nội từ tháng 1 đến tháng 9-2020, lên gần 250% GDP.
Cho đến nay, phản ứng toàn cầu vẫn còn rời rạc, hiện có rất ít hành động phối hợp ở quy mô toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 1 thập niên trước (2009). Nhưng cùng với chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một số nhà phân tích kỳ vọng các hành động đa phương có thể được hồi sinh. Tờ Thời báo Tài chính của Anh (Financial Times-FT) đã điểm ra một loạt biện pháp được đa số định chế, tổ chức và chủ nợ ủng hộ để có thể xóa, giảm hoặc tái cơ cấu nợ cho các nền kinh tế mới nổi.

Sáng kiến DSSI
Biện pháp đầu tiên là gia hạn nợ. Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ nợ (DSSI) do G20 công bố vào tháng 4-2020, cho đến nay đã mang lại khoản cứu trợ khoảng 5 tỷ USD cho 46 quốc gia nghèo nhất thế giới, trong số 73 quốc gia đủ điều kiện. Biện pháp này đã được kéo dài đến giữa năm 2021 và có thể được mở rộng hơn nữa. Ưu điểm của biện pháp này là ngay lập tức giúp giảm áp lực tài chính công, dù cuối cùng các nước cũng vẫn phải trả lại các khoản nợ. 
Tuy nhiên, khả năng triển khai DSSI khá thấp. Theo IMF, cho đến nay các khoản cứu trợ đã thỏa thuận chưa bằng 10% so với mức tăng nhu cầu vay nước ngoài của các quốc gia mới nổi trong năm qua. Những người chỉ trích cho rằng biện pháp này đã không tính đến những lo ngại của các quốc gia con nợ và các bên cho vay tư nhân. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), phạm vi của biện pháp này chỉ giới hạn trong các khoản vay của các chính phủ G20 và các ngân hàng chính sách của họ, tức chỉ khoảng 35% nợ công đủ điều kiện để áp dụng. 
Vì vậy, gần đây G20 đã ra mắt một tiêu chí khung về việc xóa nợ DSSI mở rộng, có thể được áp dụng cho cả quốc gia có thu nhập trung bình. Theo FT, ưu điểm của biện pháp này là có sự đối xử bình đẳng với các chủ nợ song phương chính thức và các chủ nợ thương mại, bao gồm các nhà cho vay Trung Quốc, các ngân hàng và các trái chủ. Vì vậy, biện pháp kỳ vọng giải quyết được những lo ngại về các vụ vỡ nợ tiềm năng và những vấn đề khó xử lý đối với DSSI nguyên bản. Song biện pháp này bị cho thiếu khả năng thực thi. Mark Sobel, Chủ tịch tại Mỹ của Omfif - tổ chức tư vấn về ngân hàng trung ương, cho biết: “Ý tưởng của biện pháp này khá tích cực, nhưng có những câu hỏi lớn về việc thực hiện".

Phân bổ SDR
Vào đầu cuộc khủng hoảng, IMF đã đề xuất phân bổ nhiều Quyền rút vốn Đặc biệt (SDR), để các quốc gia có thể bán lấy tiền mặt. Khi đó, WB, Liên hiệp quốc (LHQ) và nhiều chính phủ trên toàn thế giới đã ủng hộ lời kêu gọi này, nhưng chính quyền Trump lại phủ quyết. Với tư cách là cổ đông lớn nhất của IMF, Mỹ có quyền ngăn chặn một động thái như vậy. IMF phân bổ SDR cho 190 thành viên trên diện rộng, tùy theo tỷ trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu. Lần gần nhất, định chế này phân bổ 250 tỷ USD vào năm 2009 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những người ủng hộ SDR hy vọng chính quyền Biden sẽ xem xét lại vấn đề này.
Theo FT, ưu điểm của biện pháp này là không cần quan tâm đến các điều kiện chính sách, sẽ phù hợp với mọi tình huống chính trị trong nước của các quốc gia mắc nợ. Trong lần triển khai năm 2009, SDR có vai trò như lời hứa về tính thanh khoản, nhờ đó đã làm dịu thị trường tài chính. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các quốc gia giàu có. Vì theo các quy tắc phân phối hiện hành, những nước càng giàu, có GDP càng lớn càng nhận được nhiều tiền. Mặc dù những người ủng hộ nói có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, nhưng một nhược điểm của nó là sẽ khiến các quốc gia thoải mái nhận tiền mà không cần nỗ lực cải cách thể chế, chính sách.

Cứu trợ đa phương
Các định chế IMF và WB là những nhà cho vay lớn nhất đối với các nước nghèo. Các quốc gia DSSI nợ IMF và WB chi tổng cộng tới 243 tỷ USD tính đến cuối năm 2019 - chiếm 46% tổng nợ công của các quốc gia này. Trong 42,7 tỷ USD nợ các quốc gia này phải trả vào năm 2020, 13,8 tỷ USD thuộc các tổ chức đa phương. LHQ, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới, tổ chức phi chính phủ và các nhà vận động nợ đều đã kêu gọi các tổ chức cho vay đa phương tham gia Lệnh đình chỉ nợ (moratorium), thậm chí hủy bỏ các khoản cho vay chưa thanh toán.
Biện pháp này được cho sẽ đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ, tránh việc dùng một khoản cứu trợ của chủ nợ này chi cho các khoản thanh toán của chủ nợ khác. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ làm tổn hại uy tín của các định chế đa phương, từ đó giảm khả năng tiếp cận vốn rẻ của chúng. Sở dĩ các định chế vay được vốn rẻ bởi họ đứng hàng đầu về uy tín và xếp hạng tín dụng so với các chủ nợ khác. Việc vay được vốn rẻ cho phép họ cho vay với lãi suất cực thấp, nhờ đó rộng đường hơn trong việc hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. 
Cho đến nay, IMF và WB đã cung cấp hỗ trợ nhiều hơn tất cả định chế/tổ chức khác. IMF đã cho 82 quốc gia vay 102 tỷ USD và hủy bỏ các khoản nợ từ những nước nghèo nhất. WB đã dành 160 tỷ USD để cho vay trong 15 tháng qua, so với 80 tỷ USD được phân bổ bởi các ngân hàng phát triển khác.

Các tin khác