Ngày không tiền mặt 16-6 do báo Tuổi trẻ đề xuất được bắt đầu từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Theo ban tổ chức, chuỗi chương trình Ngày không tiền mặt năm nay gồm nhiều sự kiện trực tiếp như: phiên chợ không tiền mặt (ngày 4-6 và 12-6) được tổ chức tại Khu Công nghệ cao TPHCM và Khu chế xuất Tân Thuận), hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt”, cuộc thi chạy bộ, chuyến xe xuyên Việt xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19-6 và ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến TPHCM vào ngày 3-7…, và những sự kiện trực tuyến như cuộc thi dance cover, các trò chơi trên web.
Trong đó, ngày hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” theo truyền thống sẽ được tổ chức vào ngày 16-6 tại Hà Nội. Nội dung xoay quanh các chủ đề như triển khai Đề án 06 và sự hòa nhập của ngành NH để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”; những vấn đề về con người, công nghệ, và tư duy chiến lược trong lộ trình chuyển đổi số ngành NH; các yếu tố bảo mật và quy chuẩn trong công nghệ thanh toán. Đồng thời, ban tổ chứuc cũng sẽ công bố kết quả bước đầu của cuộc “khảo sát quy mô quốc gia về mức độ hài lòng của người dân về TTKDTM”.
Được biết, trong tháng 6-2022, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… cũng sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt. Hiện tại ban tổ chức đã chính thức nhận được sự xác nhận đồng hành và sẽ có các hoạt động hỗ trợ mua sắm cho người tiêu dùng từ các đơn vị Sacombank, ACB, Napas, HDBank, Shopee/ShopeePay, Saigon Co.op, …
Những sự kiện nằm trong chuỗi chương trình được tổ chức và thiết kế phù hợp để kích thích sự quan tâm của 3 nhóm đối tượng từ những người chưa quen thuộc hoặc chưa biết gì về TTKDTM, đến những người đã và đang sử dụng TTKDTM và những nhóm những người có những ảnh hưởng vĩ mô về chính sách trong lĩnh vực này. Mục tiêu lớn nhất của chuỗi sự kiện là để hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Số liệu của NHNN cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng TTKDTM rất khả quan. Giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rông, bao phủ cả nước có hơn 20.000 ATM và hơn 347.000 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Đến tháng 4-2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.