NHNN đánh giá nợ xấu vẫn 7%

Từ nay lại có thêm một số liệu mới về nợ xấu do NHNN công bố và đây cũng được xem là con số đáng tin cậy nhất.

Từ nay lại có thêm một số liệu mới về nợ xấu do NHNN công bố và đây cũng được xem là con số đáng tin cậy nhất.

 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 1-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%.

Như vậy, kể từ nay lại có thêm một số liệu mới về nợ xấu do NHNN công bố và đây cũng được xem là con số đáng tin cậy nhất. Bởi lẽ mỗi khi có các số liệu về nợ xấu khác nhau, NHNN đều lên tiếng khẳng định số liệu của NHNN là có cơ sở và tin cậy nhất, còn số liệu khác chỉ để tham khảo.

Còn nhớ ngày 18-2, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014 trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ít nhất phải chiếm 15%.

Ngay sau báo cáo của Moody’s, NHNN đã phản pháo lại rằng nhờ tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Còn nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.

NHNN cho rằng, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường. “Song nhìn chung số liệu, thông tin về nợ xấu và hoạt động ngân hàng do cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy hơn và có cơ sở pháp lý hơn”.

Thế nhưng, các tổ chức tài chính quốc tế dường như chưa tin tưởng vào số liệu của NHNN. Moody’s không chỉ có báo cáo tháng 2 mới nhận định nợ xấu của Việt Nam ở 15% mà trước đó đã nhiều lần cho rằng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam phải lên tới 2 chữ số và cũng là nước có tỷ lệ nợ xấu đứng đầu trong số các nước mà tổ chức này tham gia đánh giá ở khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng Phát triển châu Á tại phiên họp báo công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á 2014” với chuyên đề đặc biệt “Chính sách Tài khóa cho Tăng trưởng toàn diện” tổ chức ngày 01/4 cũng nhận định NHNN cần phải đánh giá lại những thông tin mà các ngân hàng thương mại báo cáo với NHNN.

"Các NHTM bao giờ cũng có những động cơ là thử xem có thể đi bao xa trong khuôn khổ pháp lý tại nước mình và do động cơ của NHTM là tạo lợi nhuận nên có lúc họ đã đẩy giới hạn này đi quá xa. Với vai trò là người quản lý, NHNN không thể giả định rằng các NHTM luôn hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, nên phải luôn sử dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra các thông tin mà NHTM báo cáo lại".

Bình luận về con số nợ xấu 7% mà Thống đốc tiết lộ ngày 01/4, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cho rằng đó mới là con số chính xác phản ánh tình hình của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1-4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, “chúng ta nên tin lời Thống đốc NHNN nói, tôi cũng tin lời Thống đốc nói là chuẩn xác”.

Theo tính toán của người viết, với dư nợ tín dụng của nền kinh tế xấp xỉ khoảng 3,4 triệu tỷ đồng, con số nợ xấu tuyệt đối như vậy chiếm tới hơn 200 nghìn tỷ đồng. 

Các tin khác