Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế, ngày 15/9, đoàn công tác của NHNN đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng (theo chỉ đạo của Chính phủ), đặc biệt là là tín dụng theo chuỗi.
![]() |
Theo báo cáo từ địa phương, kết thúc 8 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn (không tính VDB) có tổng nguồn vốn huy động đạt 37.677 tỷ đồng, tăng 4.124 tỷ đồng (12,3%) so với năm 2013; trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm 82%, tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 17% nguồn vốn huy động; tiền gửi VND chiếm 93%.
Ở chiều tín dụng đạt 46.328 tỷ đồng, tăng 3.085 tỷ đồng (7,1%) so với năm 2013; tăng 5.414 tỷ đồng (13,2%) so với cùng kỳ; trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 50% tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng VND chiếm 96% tổng dư nợ.
Trong đó, cho vay 5 lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Thông tư 08/2014/TT-NHNN ngày17/3/2014) là 20.553 tỷ đồng, chiểm gần 50% dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề nghị NHNN tiếp tục quan tâm, chia sẻ thông tin về định hướng ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ quốc tế để tỉnh Thanh Hóa kịp thời cập nhật thông tin về nguồn vốn ODA, lĩnh vực ưu tiên phục vụ công tác chuẩn bị hồ sơ, đề xuất dự án cho phù hợp.
Ngoài ra, việc áp dụng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với trang trại và hợp tác xã (HTX) theo Nghị định 41/NĐ-CP còn gặp khó khăn do phần lớn các trang trại và HTX không đủ vốn tự có theo quy định của ngân hàng. Do đó, đại diện UBND tỉnh cũng kiến nghị NHNN sớm xem xét để giải quyết vướng mắc này.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị NHNN xem xét xây dựng cơ chế bảo đảm tiền vay đặc thù cho một số dự án liên kết trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi theo chương trình cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất hàng xuất khẩu. Đề nghị NHNN có hướng dẫn riêng về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với các hộ vay nông nghiệp, nông thôn (cơ chế riêng cho khách hàng vay vốn theo Nghị định 41); cơ cấu lại nợ khi bị thiên tai, dịch bệnh đối với khách hàng đang có nhóm nợ cao đưa vào nợ nhóm 1 để khách hàng có điều kiện tái đầu tư, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh…
Ghi nhận những phản ánh về tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn kịp thời xử lý ngay những vướng mắc nói trên. Đại diện NHNN khẳng định, tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng do gắn với các dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Xi măng Bỉm Sơn...
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình sản xuất hiện đại như các dự án theo chuỗi của công ty Tiến Nông, vừa sản xuất phân bón, vừa triển khai cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo xuất khẩu. Theo hướng này, Thống đốc cho rằng địa phương nên quy hoạch một số dự án lớn trong nông nghiệp theo chuỗi, chất lượng nông sản cao để ngành Ngân hàng đưa vào danh mục các dự án trọng điểm trong nông nghiệp đang triển khai thí điểm.
Cũng tại buổi làm việc, Thống đốc đã thay mặt ngành Ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn cho tỉnh.
Thống đốc cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tích cực góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 để thời gian tới, Chính phủ ban hành nghị định mới phù hợp với chương trình tái cấu trúc ngành Nông nghiệp và phù hợp với Luật Hợp tác xã để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng căn cơ hơn hiện nay.