Không khó để bắt gặp cảnh trạm y tế cơ sở vật chất xuống cấp, tạm bợ, nguồn nhân lực thiếu trước hụt sau, khung cảnh đìu hiu… Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, những gút mắc này cần sớm được tháo gỡ.
Chắp vá, tạm bợ
“Mon ơi, Mon à”, tiếng ông Nguyễn Hồng Nhân (70 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) vang lên trong TYT phường Tân Thới Hiệp khi gọi cháu trai. Bé Nguyễn Nhân Nghĩa (“Mon” là tên ở nhà - PV), dứt khoát không trả lời, trốn sau hàng cột ngôi nhà cấp 4 cũ nát, vì sợ bị chích thuốc. Chích ngừa cho bé Mon xong, ông Nhân kể, mỗi lần tới TYT, ông rất vui vì đội ngũ y bác sĩ tận tâm, chu đáo, nhưng cũng ái ngại khi thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm còn hạn chế và xuống cấp. Hàng năm, khi đến dịp tiêm chủng hoặc cho cháu uống vitamin, ông Nhân mới tới TYT, còn bệnh đau thì tới Bệnh viện Quận 12 thăm khám.
TYT phường Tân Thới Hiệp trước đây cũng có trụ sở, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, khang trang. Năm 2007 khi phải di dời, nhường đất cho quận 12 xây dựng siêu thị Metro, TYT phải dời về “ở tạm” tại Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp (22 Nguyễn Thị Đặng, KP 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12). 9 y, bác sĩ (BS) và nhân viên của trạm làm việc trong ngôi nhà cấp 4, vốn trước đây là phòng truyền thống của phường được cải tạo lại, thiếu thốn đủ thứ.
“Nhưng chúng tôi chưa một ai vì khó mà nghỉ hay bỏ việc” - một cán bộ của trạm chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Hây, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp cho biết, TYT của phường đã có kế hoạch xây dựng mới hơn 10 năm qua, rất nhiều phương án đã được các cấp chính quyền thông qua, tuy nhiên có phương án vướng công tác đền bù giải tỏa, phương án khác chủ đầu tư hứa hẹn, rồi khất mãi, đến nay vẫn án binh bất động.
mặt tiền còn bị hàng quán lấn chiếm, che khuất tầm nhìn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thực tế ghi nhận cho thấy, đa số TYT ở khu vực nội thành là các căn nhà phố được tận dụng lại làm trụ sở, sử dụng đã lâu, đa số xuống cấp, chật chội. Cụ thể, quận 1 có 10 trạm y tế thì cần cải tạo, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị 7 trạm, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; quận 2 cần xây mới 3 trạm và trung tâm y tế quận, nguồn kinh phí trên 200 tỷ đồng; quận 4 cũng cần nguồn ngân sách gần 400 tỷ đồng để xây mới TYT các phường 1, phường 15, phường 18 và trung tâm y tế quận…
Bệnh nhân chê trạm y tế
“Bác thông cảm, đúng ra trong kê toa thuốc cho bác phải có thuốc Kavasdin 5mg nhưng hiện trạm không có loại thuốc này”, BS Châu Quang Khải, Trưởng TYT phường 15, quận Tân Bình nói với bệnh nhân sáng 7-9. Ông Nguyễn Tất Hợi (74 tuổi) nói: “Bác sĩ xem đề xuất với trên để lần sau tới tái khám, tôi có được đúng loại thuốc phù hợp với cơ địa. Mang thuốc này về, nhiều khi con cháu trong nhà không cho uống vì sợ biến chứng, tác dụng phụ… rồi bắt đi bệnh viện khám lại”. Ông Hợi bị bệnh cao huyết áp cộng thêm bệnh tim do thiếu máu cục bộ, KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện Quận Tân Bình. Từ khi TYT phường 15 được triển khai mô hình điểm, ông chuyển về đây KCB cho thuận tiện. Tuy nhiên, ông Hợi chia sẻ: “Lớn tuổi, đi lại khó khăn, nhiều lần đến TYT tái khám cũng thiếu thuốc… Nếu phải ngược lại bệnh viện KCB, tôi rất mệt mỏi!”.
Nữ điều dưỡng V.H.D. than thở, trường hợp của bác Hợi là tình cảnh chung mà TYT phường gặp trong nhiều năm qua. Không chỉ thiếu thuốc, mà thuốc cấp về đều là hạng thấp nhất trong danh mục thuốc BHYT, như thuốc điều trị cao huyết áp, gồm 5-6 loại từ thấp đến cao, tuy nhiên ở trạm chỉ được nhận loại thấp nhất của bệnh viện, có khi còn không đủ cơ số thuốc được cấp. Nhiều loại thuốc điều trị các bệnh: đường tiêu hóa, tiểu đường... không có hoặc chỉ được cấp 1 loại. “Nhiều bệnh nhân mắng xối xả tại quầy vì cho rằng chúng tôi yểm thuốc tốt đi, nỗi khổ này đã tỏ bày nhiều nhưng không thấu tới… bệnh viện” - điều dưỡng D. kể.
11 TYT trên địa bàn quận 12 cũng gặp cảnh tương tự, BS Phạm Cung, Trưởng TYT phường Tân Hưng Thuận chia sẻ, bản thân là bí thư chi bộ của 11 TYT trên địa bàn, trong các cuộc họp giao ban, các TYT đều than thiếu thuốc cấp cho bệnh nhân. “Nhiều TYT than phiền về việc thiếu thuốc điều trị, còn người bệnh thì than phiền BS cho thuốc quá ít, giá trị chỉ 10.000 - 50.000 đồng. Có khi ngay cả những loại thuốc thông thường như Paracetamol cũng thiếu. Còn những loại thuốc điều trị các bệnh như cao huyết áp, hen suyễn, ho... gần như không có, có cũng chỉ là những loại thuốc hạng 4 - loại thấp nhất trong danh mục”. Hệ lụy, nhiều bệnh nhân bỏ lên tuyến trên KCB và chấp nhận tốn thêm chi phí do vượt tuyến, đi lại”, BS Cung nói.
BS.CKI Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 cho biết, địa bàn quận, nhiều phường có dân số từ 50.000 đến gần 100.000 nhân khẩu, do đó công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quận 12 đặc biệt quan tâm. Quận chọn TYT phường Tân Thới Nhất xây dựng mô hình “TYT điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình” và sẽ nhân rộng ra các TYT khác. “Từ khi thay áo mới cho TYT Tân Thới Nhất, công tác KCB cho nhân dân có nhiều khởi sắc, nhưng bệnh nhân đến KCB chưa cao, thuốc đặc trị thiếu”, BS Nguyễn Đăng Tuyến nói.
Hiện TPHCM chỉ có 123/319 TYT phường, xã, thị trấn thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã (đạt 38,6%), theo Quyết định 2348 ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”; có 185/319 TYT phường, xã, thị trấn đủ điều kiện KCB BHYT (đạt 58%). Chỉ có 10/24 trung tâm y tế quận, huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện (đạt 41,7%), chưa đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 theo Quyết định 2348 là 95%. |
Nhân lực khan hiếm |