Nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc dù lợi suất tăng; Giá dầu giảm nhẹ

(ĐTTCO) - Nasdaq Composite đã phá vỡ chuỗi 4 ngày giảm điểm vào thứ Hai (21/8), ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc đạt mức cao chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ.

Nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc dù lợi suất tăng; Giá dầu giảm nhẹ

Nasdaq chấm dứt chuỗi 4 ngày thua lỗ

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite tiến 1,6%, đóng cửa ở mức 13.497,59, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 28/7. Chỉ số S&P 500 nhích 0,69%, lên 4.399,77. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,11% xuống 34.463,69.

Cổ phiếu Palo Alto Networks tăng vọt 14,5% nhờ kết quả doanh thu cao hơn dự kiến và cổ phiếu Nvidia cộng 8,3% trước khi công bố kết quả kinh doanh vào thứ Tư. Cổ phiếu Tesla và Meta lần lượt tăng 7% và 2,4%. Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 đã tăng 2,26% vào thứ Hai.

Những động thái đó diễn ra ngay cả khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt mức cao 4,34%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2007. Lợi suất, vốn tăng khi giá trái phiếu giảm, thường không tốt cho cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác khi chúng làm giảm giá trị của lợi nhuận hứa hẹn trong tương lai. Điều đó làm cho mức tăng trong phiên của lĩnh vực công nghệ trở nên đáng chú ý.

Các động thái trên thị trường vào thứ Hai diễn ra sau một tuần sụt giảm ở Phố Wall, điều này đã làm nối dài đà trượt dốc vào cuối mùa hè của thị trường. S&P 500 và Nasdaq đều giảm tuần thứ 3 liên tiếp, trong khi chỉ số Dow có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Tuần này, các nhà đầu tư đang mong đợi một bài phát biểu vào sáng thứ Sáu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề thường niên của ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming.

Dầu giảm khi hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc mờ dần

Khép phiên, dầu thô Brent sụt 34 cent ở mức 84,46 USD, tương đương 0,4%. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ kết thúc ở mức 80,72 USD/thùng, hạ 53 cent hay 0,65%. Hồi đầu phiên, cả hai loại dầu chuẩn đã tăng tới 1 đô la/thùng.

Robert Yawger, giám đốc năng lượng tương lai của Mizuho Securities USA cho biết: “Ngay bây giờ, đó là cuộc chiến giữa việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út với sự sụt giảm nhu cầu.”

Giá dầu thô tăng vọt trong suốt mùa hè, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự cân bằng chặt chẽ giữa nguồn cung dầu thô và nhu cầu cao, đặc biệt là trong mùa cao điểm lái xe vào mùa hè của Hoa Kỳ, vốn sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên của tháng 9 và từ Châu Mỹ Latinh.

Đồng thời, OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu, cộng với Nga đã cắt giảm sản lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch.

Ả Rập Saudi cho biết trong tháng này sản lượng của họ sẽ duy trì khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 9.

Tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp do lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu dầu mỏ, trong khi khả năng Mỹ tăng lãi suất thêm nữa cũng làm lu mờ triển vọng nhu cầu.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm xuống 10 điểm cơ bản và giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 5 năm. Đó là một bất ngờ đối với các nhà phân tích, những người đã dự báo ​​sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản cho cả hai mức lãi suất vì sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị chậm lại do sự suy thoái ở lĩnh vực bất động sản ngày càng trầm trọng, chi tiêu yếu và tăng trưởng tín dụng kém.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia xuất khẩu tháng 7 sang Trung Quốc đã giảm 31% so với tháng 6. Trong khi Nga, với dầu thô giảm giá, vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của gã khổng lồ châu Á.

Các nhà phân tích cho biết nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Saudi Arabia dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2023.

Ngoài ra, đồng đô la yếu hơn khiến việc mua dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó có khả năng thúc đẩy nhu cầu.

Các tin khác