Nhộn nhịp Cảng cá Trần Đề ngày Xuân

(ĐTTCO) -  Những năm qua Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khai thác thủy sản địa phương. Từ đó, hình thành một cảng cá quy mô lớn, luôn tất bật và nhộn nhịp tại vùng ven biển Tây Nam bộ.
Hoạt động tại Cảng cá Trần Đề luôn tấp nập nhộn nhịp. Ảnh: T.QUANG
Hoạt động tại Cảng cá Trần Đề luôn tấp nập nhộn nhịp. Ảnh: T.QUANG

Cảng cá Trần Đề (tại cửa biển Trần Đề thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được xây dựng năm 2000 với tổng diện tích 16ha, đi vào hoạt động từ năm 2003. Đây là một trong 10 cảng cá thuộc dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam".

Cảng đóng vai trò là cơ sở hậu cần nghề cá quan trọng tại Sóc Trăng, phục vụ đánh bắt xa bờ, khai thác có hiệu quả tiềm năng nghề biển. Năm 2022, cảng tiếp nhận số tàu thuyền đạt hơn 19.870 lượt (tăng 12% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, cảng còn tiếp nhận hơn 32.100 lượt phương tiện vận tải (tăng 5% so với cùng kỳ). Tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt 130.435 tấn, trong đó thủy sản 70.554 tấn, mang về nguồn doanh thu dịch vụ cho cảng hơn 8,08 tỷ đồng. Công tác khai thác vận hành cảng cá, bến cá luôn được đảm bảo thực hiện 24/24 giờ, nhằm đảm bảo phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân.

Đến nay, khu vực Cảng cá Trần Đề có 24 doanh nghiệp sơ chế và chế biến thủy, hải sản, 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó, có 3 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm như: Nhật Bản, Mỹ, EU…

Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề còn thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản; phối hợp kiểm tra, kiểm soát về chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp tại cảng cá. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…

Đặc biệt, công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản được Cảng cá Trần Đề quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của số lượng tàu thuyền qua cảng, dự án “Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Trần Đề” đã được khởi công xây dựng vào cuối năm 2019. Dự án có diện tích đất xây dựng công trình cảng cá khoảng 6,7ha, với số vốn 174 tỷ đồng, công suất lên xuống hàng hóa và thủy sản hơn 50.000 tấn/năm.

Đến nay, dự án đã được nghiệm thu và tạm bàn giao cho Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề vận hành, khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá, thủy sản của huyện Trần Đề nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề cũng được đầu tư xây mới Cảng cá Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề), diện tích đất 3ha, quy mô cảng cá loại 3, tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng. Năm 2022, Cảng cá Mỏ Ó đã đi vào hoạt động ổn định, đón hơn 4.190 lượt tàu cập cảng.

Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề, cho biết: “Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục củng cố, cải tiến phương thức quản lý, điều hành cảng cá để phục vụ tốt cho tàu thuyền của ngư dân. Đặc biệt, ban sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra tàu thuyền về hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp - IUU, nhằm thay đổi, nâng cao ý thức của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản, góp phần tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam”.

Các tin khác