Giả chữ ký để chiếm đoạt tiền
Theo cáo trạng, năm 2018 Nguyễn Thị Hà Thành (lao động tự do, 37 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã cấu kết với một số cán bộ, nhân viên NH thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 431 tỷ đồng tại NHTMCP Quốc Dân (NCB), NHTMCP Việt Á (VAB) và NHTMCP Đại Chúng (PVcomBank-PVB).
Để có tài sản đảm bảo cho các khoản vay, Hà Thành - với sự tiếp tay của một số cán bộ NH - thông qua các hình thức khác nhau để lấy sổ tiết kiệm của nạn nhân, hoặc lừa nạn nhân gửi tiền vào NH bằng hình thức đồng sở hữu.
Sau khi có sổ tiết kiệm, Thành và đồng phạm giả mạo chữ ký của các nạn nhân, lập giả các giấy tờ có công chứng để hoàn thiện thủ tục vay vốn, rút tiền từ NH cho mục đích tiêu xài cá nhân.
Thủ đoạn của Thành là lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của các nhân viên NH làm giả chữ ký trên các chứng từ để chiếm đoạt tiền của NH. Trong số 16 cán bộ, nhân viên NH có liên quan, nhiều người đã vi phạm quy định trong hoạt động NH, bỏ qua các quy định bắt buộc như phải có đủ chữ ký của những người đồng sở hữu sổ tiết kiệm, chủ sổ tiết kiệm và phải chứng kiến những người liên quan thực hiện việc ký các thủ tục này.
Trong vụ án này, bóng dáng của vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng của các NHTM cách đây không lâu, lại được đối tượng Hà Thành “diễn lại”. Điều đó cho thấy, thủ đoạn không mới nhưng rất khó giải quyết khi nhân viên NH chịu áp lực của doanh số, áp lực chăm sóc khách hàng VIP, nên đã chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ vay theo đúng quy trình.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bỏ qua chuyện tiêu cực, việc nhân viên NH thẩm định chữ ký thật - giả bằng mắt thường cũng khó tránh khỏi sai sót. Do đó, việc áp dụng công nghệ để nhận diện là hết sức cần thiết. Thí dụ, thay vì chữ ký thì điểm chỉ dấu vân tay và số hóa, từ đó có thể tránh được những sai sót do con người.
Những điểm “mờ” về nạn nhân
Những điểm “mờ” về nạn nhân
Vụ án này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong việc câu kết, dùng các thủ đoạn để lừa đảo, rút tiền NH một cách phi pháp. |
Ngay sau những lần gửi tiết kiệm, vợ chồng Toàn-Trang được trả ngay một khoản lãi ngoài 4,2%/tháng, tương đương 50,4%/năm. Theo thỏa thuận, sau khi hết thời hạn cầm cố, tiền gốc sẽ trả lại cho vợ chồng Toàn - Trang.
Tại cơ quan điều tra, Đặng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang đều khai báo không biết và không đồng ý cho nhóm Thành dùng các sổ tiết kiệm của mình để cầm cố vay từ các NH. Tuy nhiên, lời khai của một số người liên quan thể hiện tại cáo trạng, cho thấy có một số tài liệu được các nghi phạm thực hiện ký chữ ký giả ngay trong nhà Toàn - Trang.
Điểm “mờ” nữa với Đặng Nghĩa Toàn, là ngày 5-12-2018 hệ thống báo tiền bị rút trong sổ tiết kiệm. Ngày 6-12-2018, ông Toàn ra VAB Phan Đình Phùng để kiểm tra và được báo có 2 tài khoản đều có tiền.
Ông Toàn đã rút toàn bộ tiền trong tài khoản, trong đó có số tiền 550 triệu đồng tại tài khoản số 5012000028659000. Ngày 12-12-2018, ông Toàn đến VAB báo mất sổ và rút tiền. Ngày 7-3-2019, ông Toàn nộp 550 triệu cho cơ quan điều tra và trình bày là rút nhầm và đến nộp lại để phục vụ điều tra.
Theo lời khai của Nguyễn Thị Hà Thành, trong tổng số 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm của ông Toàn mà Thành giả mạo chữ ký để vay cầm cố sổ tiết kiệm tại 3 NH, Thành đã trả tiền gốc 35 tỷ đồng, còn phải trả 87 tỷ đồng. Hiện ông Toàn đang yêu cầu 3 NH liên quan phải trả cho số tiền đã gửi vào sổ tiết kiệm là 122 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lời khai về số tiền 35 tỷ đồng chưa được cáo trạng xác định rõ. Theo một luật sư, lời khai này của Thành cần phải được làm rõ, từ đó xác định số tiền 35 tỷ đồng đối tượng Thành đưa cho ông Toàn đúng hay sai, nếu đúng được xử lý ra sao.
Ngoài ra, trong vụ việc vợ chồng Toàn - Trang cho Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền với lãi suất 4,2%/tháng, dù không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của các chủ sổ tiết kiệm trong vụ án, khi vợ chồng này được xác định có liên đới đến nhiều vụ trong số 26 vụ việc do nhóm Thành gây ra.
Liên quan vụ việc này, mới đây PVB phát đi thông báo, cho biết 3 sổ tiết kiệm trị giá 52 tỷ đồng mang tên khách hàng Đặng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang mở tại NH này đang được phong tỏa để phục vụ điều tra.
Theo PVB, các tài liệu đều xác định số tiền này là tang chứng của vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng bọn lừa đảo. Do đó, số tiền chỉ được trả lại khi có bản án cuối cùng của tòa án. Còn NCB cũng có đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tiếp tục làm rõ có hay không việc câu kết giữa nhóm Thành và vợ chồng Toàn - Trang trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NCB.
Một luật sư cho biết, nạn nhân đã từng tìm đến để thuê ông bảo vệ quyền lợi, nhưng do không rõ bản chất của vụ việc này nên ông từ chối. Sự phức tạp của vụ án này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong việc câu kết, dùng các thủ đoạn để lừa đảo, rút tiền NH một cách phi pháp.