Đại dịch Covid-19 mang lại những câu chuyện kỳ lạ nhất cho thị trường vàng mà không ai có thể ngờ đến.
Giá vàng sụt giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bất chấp lạm phát gia tăng. Ảnh: Ngọc Thắng |
Người Việt đắm say vàng
Nói đến mê vàng, người ta nghĩ đến Trung Quốc hay Ấn Độ. Thế nhưng độ “đắm say” vàng của người Việt cũng không hề thua kém. Nghiên cứu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) thực hiện vào cuối năm 2020 cho thấy, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, vàng vẫn duy trì được lợi thế tại Việt Nam. Cụ thể, có 81% số người đã từng mua vàng khẳng định sẽ tiếp tục mua và chỉ 10% nói rằng họ không hứng thú với vàng. Con số này lần lượt với Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia luôn dẫn đầu về tiêu thụ vàng, lần lượt là 72% và 67%. Trên toàn cầu, con số này rơi vào khoảng 45%. Số liệu này cho thấy thói quen, văn hóa và tình yêu vàng của người Việt rất lớn.
Trong quá khứ cũng có một số giai đoạn lạm phát cao mà giá vàng không tăng, trong kinh tế học gọi là giảm phát. Khi giá cả hàng hóa tăng mà sản xuất lại đình đốn, mấu chốt căn bản ở đây là người tiêu dùng không có tiền dư thừa.TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM |
Bà Phạm Thị Hảo (Sơn Tây, Hà Nội) năm nay 74 tuổi vẫn có thói quen quy mọi thứ ra vàng. Từ mua nhà, mua xe, của hồi môn cho 4 cô con gái... cách đây gần 2 thập kỷ cho tới bây giờ treo thưởng cho các cháu nội ngoại: “Cứ cháu nào đậu đại học là bà thưởng 1 chỉ”. Không đầu tư, không mua đi bán lại kiếm lời, bà Hảo tích trữ vàng như một thói quen và chỉ dùng để cho, tặng người thân trong gia đình vào các dịp đặc biệt. Những người ở thế hệ bà Hảo, đa số vẫn giữ thói quen này, như một nét văn hóa đẹp về tính cần kiệm của người Việt xưa. Điều này khá tương đồng với Báo cáo điều tra về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam hồi giữa năm nay của WGC rằng Việt Nam là thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất Đông Nam Á và có tiềm năng tăng trưởng. Rất nhiều người Việt tin rằng vàng là một biện pháp bảo vệ tốt, là sản phẩm đầu tư hàng đầu, chiếm 68% nhà đầu tư, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm đầu tư nào khác. Thói quen, văn hóa và tình yêu với vàng của người Việt có thể hiểu được bởi trên thực tế, hàng ngàn năm qua vàng đã chứng minh sức mạnh và giá trị của mình khi ngày càng đắt đỏ. Người Việt giữ vàng với tâm lý khi cần có thể bán đi, lấy tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Thế nhưng không ai có thể ngờ được, có những thời điểm của năm 2021 này, vàng trở nên “vô giá trị” khi không thể mua - bán, không quy đổi ra tiền để mua lương thực, thực phẩm.
Đó là khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng suốt nhiều tháng, các tiệm vàng trên cả nước phải tuân thủ việc đóng cửa, dừng giao dịch. Ông Trương Văn Cường (Q.5, TP.HCM) kinh doanh vàng nữ trang hơn 40 năm cho hay, trước khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội, hai vợ chồng ông dự trữ sẵn một khoản tiền mặt trong nhà. Chưa được 10 ngày thì số tiền này cũng cạn vì khách quen gọi điện, gõ cửa năn nỉ bán nữ trang vàng, có người chỉ vài triệu đồng để lấy tiền đi chợ. Chỉ có người bán mà không ai mua nên lượng tiền nhanh chóng cạn kiệt. Thế là ông chủ tiệm vàng hành nghề suốt hơn 40 năm đành đóng cửa từ chối mua dù rất muốn hỗ trợ khách quen. Người mua áy náy nhưng người bán còn khổ hơn.
Anh Nguyễn Thành (Q.3, TP.HCM) rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi ví von “sạch túi trên núi vàng”. Chuyện là do dịch Covid-19, nhà trường thông báo học sinh học trực tuyến nên phải mua máy tính. Hai vợ chồng anh tính bán vàng để mua máy cho con nhưng điện thoại cho tiệm vàng nơi không bắt máy, nơi từ chối không mua. Cuối cùng anh Thành đành vay tiền người thân mua máy tính dù trong két có cả lượng vàng được anh mua dần mỗi dịp tới ngày Thần tài hằng năm.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều người có vàng mà không thể bán để mua gạo, rau, thịt... cho bữa cơm hằng ngày tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua. Nhiều người ví von “khổ vì vàng” là vậy.
|
Vàng thất sủng
Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett từng nói “vàng là kênh đầu tư dài hạn khi thị trường đang lo sợ. Nếu bạn càng trở nên lo sợ thì bạn sẽ kiếm được tiền. Còn nếu thị trường bớt lo sợ thì bạn lại mất tiền. Tuy nhiên, bản chất của vàng tự nó không thay đổi”. Chẳng phải đợi đến khi Warren Buffett nói, thực ra từ lâu, các nhà đầu tư đã chọn vàng. Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vàng càng thể hiện rõ vai trò “hầm trú ẩn” an toàn của mình. Thế nhưng tại Việt Nam năm nay tình hình lại hoàn toàn thay đổi, khi kim loại quý đã chính thức bị thất sủng.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ năm 2019 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Nơi này bị phong tỏa, nơi kia bị hạn chế đi lại làm cho hàng hóa nơi cần thì bị thiếu hụt, nơi sản xuất được thì không có nguyên liệu... Cấu trúc lạm phát này không tác động đến giá vàng như thông lệ.Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM |
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ nhận định, việc mua bán vàng khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 đã làm giảm vai trò hầm trú ẩn an toàn của kim loại quý. Thay vì mua vàng để bảo toàn tài sản thì nhu cầu bán tăng cao do thu nhập giảm, thất nghiệp vì dịch bệnh. Đặc biệt, việc không thể bán vàng lấy tiền đồng chi tiêu cho cuộc sống khiến nhiều người thất vọng, điều này có thể làm thay đổi quan điểm tích trữ vàng của họ sau này. Không chỉ trong giai đoạn giãn cách xã hội mà thị trường vàng trong nước từ đầu năm đến nay quá trầm lắng, khối lượng giao dịch giảm mạnh. Điều này vẫn sẽ tiếp tục khi thị trường vàng hoạt động trở lại, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), do người dân cần tiền chi trả cho các sinh hoạt nên sẽ bán ra nhiều hơn là mua vào. Kịch bản có thể xảy ra là các đơn vị kinh doanh sẽ ép giá mua xuống.
Nhu cầu tiêu dùng vàng theo thống kê của WGC trong 10 năm trở lại đây liên tục giảm. Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng có mức sụt giảm mạnh nhất với nữ trang còn 10,7 tấn, vàng miếng còn 29,1 tấn trong khi năm 2019 lần lượt ở mức 17,3 tấn và 39,1 tấn. Trước đó năm 2018 là 18,2 tấn và 41,3 tấn... Đến quý 2/2021, nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 12,6 tấn, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giảm 1,6 tấn và vàng thanh, tiền xu giảm 4,4 tấn so với quý 1. Sức tiêu thụ vàng trong nước sụt giảm mạnh nhưng điểm không bình thường là giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới ở mức 7 - 8 triệu đồng/lượng từ nhiều tháng qua, có thời điểm lên đến 9 triệu đồng/lượng. Ông Trần Thanh Hải cho rằng sự mất liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thế giới đã đẩy chênh lệch giá lên mức cao kỷ lục như thời gian qua. Người mua vàng phải gánh chịu rủi ro về giá khá lớn và không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua vàng thời điểm này. Đây cũng là một lý do khiến vàng thất sủng trong mắt các nhà đầu tư nội địa với kim loại quý.
Gần đây xuất hiện một số dự báo cho rằng vàng thế giới sẽ tăng giá lên 1.900 - 2.000 USD/ounce khi các nước bơm tiền nhiều quá, hệ thống ngân hàng tích trữ nhiều tiền và quay qua mua vàng, đẩy giá tăng. TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, hoài nghi rằng sau những báo cáo này có sự xuất hiện của các công ty khai thác vàng muốn bán với giá cao. Thực tế, có những báo cáo nuôi dưỡng nhu cầu vàng, “vẽ” ra nhiều kịch bản như tiền bơm nhiều quá làm mất niềm tin, mà mất niềm tin thì chỉ còn vàng. Nhưng logic này chỉ là quá khứ. Còn hiện nay, mọi quy luật, nhu cầu, thói quen, truyền thống tiêu dùng, tích trữ vàng, tài sản đều có thể thay đổi. Như việc vàng thất sủng ngay trong khủng hoảng là điều mà các nhà đầu tư không thể ngờ tới...
|
Giới đầu tư ngỡ ngàng
Năm 2020, WGC công bố danh sách 10 nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, trong đó Mỹ đứng ở vị trí đầu bảng với khối lượng 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự trữ vàng của Mỹ gần bằng tổng trữ lượng của Đức, Ý và Pháp cộng lại. Đồng thời, tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của Mỹ cũng cao nhất trong top 10 nước. Khoảng nửa số này hiện được cất giữ tại kho vàng Fort Knox. Theo WGC, tính đến tháng 7.2020, các nước dự trữ khoảng 34.900 tấn vàng. Số vàng này được dùng để ổn định đồng nội tệ trước nguy cơ lạm phát phi mã, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng lớn như hiện tại.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu, đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới. Khi hệ thống tài chính của Việt Nam phát triển, sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vàng, tăng khả năng tiếp cận và tin tưởng vào vàng.Ông Andrew Naylor, Giám đốc phụ trách ASEAN của WGC |
Trên thế giới, có nhiều thời điểm các ngân hàng trung ương đua nhau tích trữ vàng; nhiều quốc gia tại châu Âu cũng “đòi” hồi hương vàng được gửi ủy thác ở nước ngoài. Đơn cử cuối tháng 11.2014, Hà Lan đã chuyển 120 tấn vàng từ Mỹ về Amsterdam. Nghĩa là gần một phần ba dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB) ngủ yên ngay trên lãnh thổ quốc gia. Trước đó 1 năm, Đức cũng đã thông báo kế hoạch “hồi hương” một phần lớn kho vàng quốc gia đang được cất giữ trong nhà kho của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ tại New York dù không được toại nguyện và đã phải từ bỏ ý định đưa 300 tấn vàng về nguyên quán. Theo thống kê của WGC, trong năm 2013 Trung Quốc mua vào hơn 1.000 tấn vàng, nhập vàng nhiều hơn cả Ấn Độ. Đó cũng là lý do giá vàng luôn tịnh tiến, đặc biệt khi khủng hoảng kinh tế, vàng càng trở nên đắt đỏ do cầu tăng vọt.
Nhắc lại một số sự kiện để thấy, kim loại quý vẫn luôn là biểu tượng của sức mạnh và ổn định tài chính. Thế nhưng năm 2021 là một năm đảo lộn mọi quy luật về vàng. Được đánh giá là khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử loài người khi dịch Covid-19 kéo dài, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, giá trị của thế giới do giãn cách được áp dụng tại nhiều quốc gia. Thế nhưng giá vàng năm nay thay vì tăng vọt lại liên tục sụt giảm. Tính đến cuối tháng 9, vàng thế giới đã giảm giá gần 150 USD/ounce so với đầu năm, tương ứng 7,9%, xuống còn 1.753 USD/ounce và giảm 12% so với mức giá kỷ lục xác lập vào tháng 8.2020 ở 2.080 USD/ounce. Những người mua vàng “theo quy luật” tưởng ăn đậm đã lỗ nặng.
TS Lê Đạt Chí nhận định: Có những câu chuyện, tình huống trong quá khứ không phải lúc nào cũng lặp lại. Điều đó đang diễn ra trên thị trường vàng hiện nay. Chính phủ nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ khiến nguy cơ lạm phát rất lớn. Nhưng không phải lúc nào lạm phát tăng lên, đồng tiền mất giá thì người ta đều trú ẩn tiền vào vàng. “Câu chuyện này chỉ đến với nguyên nhân lạm phát từ việc dư thừa tiền trong lưu thông, lạm phát từ chính sách tiền tệ mà ra. Khi đó, người tiêu dùng có nhiều tiền mua sắm, ăn chơi làm cho vật giá tiêu dùng leo thang. Trong quá khứ cũng có một số giai đoạn lạm phát cao mà giá vàng không tăng, trong kinh tế học gọi là giảm phát. Khi giá cả hàng hóa tăng mà sản xuất lại đình đốn, mấu chốt căn bản ở đây là người tiêu dùng không có tiền dư thừa”, ông Chí lý giải và dẫn chứng, trong quá khứ ở Mỹ, năm 1973 khủng hoảng giá dầu tăng mạnh dẫn đến lạm phát cao, nguyên nhân do chi phí đầu vào cao. Hiện nay, lạm phát tăng cũng do chi phí đầu vào như chi phí vận chuyển hàng hóa, giao nhận tăng cao do dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh thương mại.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng việc các nước như Mỹ, Việt Nam... khẳng định kiểm soát được lạm phát đã làm vàng mất đi yếu tố hỗ trợ tăng giá. Một điểm lạ nữa là thông thường giá dầu và vàng tăng, giảm cùng chiều vì được gắn với USD. Thế nhưng diễn biến thị trường gần đây hoàn toàn trái ngược, giá dầu tăng cùng chiều với USD, đẩy giá vàng giảm mạnh. Dầu tăng giá do chuẩn bị vào mùa đông ở một số nước nên dự báo nhu cầu tăng, thêm vào đó là sự kỳ vọng phục hồi kinh tế các nước sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Các dòng tiền không những chuyển hướng vào thị trường dầu mà ngay cả thị trường chứng khoán khiến giá dầu và chứng khoán đều tăng. Nhưng giá vàng như nói trên, lại quay đầu sụt giảm khiến giới đầu tư cũng ngỡ ngàng, khó hiểu.
Biến thiên khó lường, đó cũng là một trong những đặc tính hấp dẫn của vàng.