Nửa thế kỷ hình thành
Tiền thân của BHC là Nhà máy Trụ điện Biên Hòa thành lập năm 1968, với hoạt động chính sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn và cột điện bê tông ly tâm. Năm 1975, nhà máy được giao cho Công ty Xây dựng số 8 (nay là Tổng công ty Xây dựng số 1), đổi tên thành Xí nghiệp Trụ điện bê tông Biên Hòa. Thời điểm đó, BHC là đơn vị duy nhất phía Nam sản xuất trụ điện bê tông ly tâm 7,4-20m cung cấp cho các tỉnh từ Bình Thuận đến An Giang. Năm 1993, theo Quyết định 068/BXD của Bộ Xây dựng, xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Bê tông (thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1).
Năm 1998, Công ty Bê tông được phép thực hiện cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới mô hình CTCP đầu năm 2000. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, BHC đã ghi nhận sự tăng trưởng về quy mô hoạt động, với doanh thu tăng trưởng trung bình 25%/năm. Đặc biệt, với hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực bê tông, sản phẩm của BHC đã có mặt tại nhiều công trình trọng điểm phía Nam, như Nhiệt điện Phú Mỹ 2, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Chiếc, cầu vượt Amata…
CTCP Bê tông Biên Hòa.
Tuy nhiên, đến năm 2009, BHC mới chính thức đưa 4,5 triệu CP niêm yết trên HNX, với giá đóng cửa phiên chào sàn đạt xấp xỉ 20.000 đồng/CP. Dù kết quả kinh doanh sau khi lên sàn không còn ấn tượng như thời điểm trước khi niêm yết, nhưng BHC chưa bao giờ giảm xuống dưới mệnh giá, cho đến cuối năm 2011. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của BHC khi giá CP liên tục sụt giảm do tác động từ kết quả kinh doanh. Đến cuối năm 2012, BHC giảm xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/CP, nhưng NĐT vẫn không mặn mà bắt đáy khiến BHC mất luôn thanh khoản.
Hành trình lao dốc
Hành trình lao dốc
Theo các số liệu BCTC hợp nhất giai đoạn 2011-2013, BHC lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Nguyên nhân do trong năm 2008, BHC rót vốn đầu tư dự án Nhà máy Bê tông An Hòa tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh (huyện Bến Lức, Long An). Sau khi hoàn tất đầu tư, BHC giao nhà máy này cho Công ty TNHH MTV An Hòa khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, dự án đi vào hoạt động trong bối cảnh suy thoái kinh tế 2008, khiến doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm do thị trường bất động sản đóng băng và chính sách hạn chế đầu tư công.
BHC còn gặp bất lợi kép khi lãi vay tăng cao, khiến nguồn thu không đủ chi. Theo phương án đầu tư ban đầu, điểm hòa vốn của dự án tương đương mức doanh thu bình quân 120 tỷ đồng/năm, nhưng đến năm 2011 doanh thu chỉ đạt 55,86 tỷ đồng, năm 2012 còn 40,3 tỷ đồng và năm 2013 là 8,8 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh không như mong đợi này khiến BHC quyết định tái cơ cấu hoạt động. Tại ĐHCĐ thường niên 2013, tất cả vị trí chủ chốt của doanh nghiệp bị thay mới, từ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Ban điều hành cho tới các trưởng phòng ban và quản đốc phân xưởng. Đối với dự án An Hòa, HĐQT của BHC lên kế hoạch tinh giản bộ máy, với sự hỗ trợ nhân lực từ công ty mẹ để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Mục tiêu của BHC đạt doanh thu 142 tỷ đồng trong năm 2014 nhằm hòa vốn ở các năm kế tiếp. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị sụp đổ, khi các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014 đều không đạt, thậm chí ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng.
NĐT bán tháo
NĐT bán tháo
Trước khi đón nhận thêm khoản lỗ năm 2014, cổ đông của doanh nghiệp đã phải nếm “trái đắng”, khi BHC bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HNX kể từ ngày 26-5-2014, do thua lỗ 3 năm liên tiếp, đồng thời lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại ngày 31-12-2013 theo BCTC kiểm toán. Ngay khi thông tin CP bị hủy niêm yết, BHC bị NĐT bán tháo. Dù chấp nhận bán với giá thấp nhất để cắt lỗ, nhưng cánh cửa để “tháo chạy” khỏi BHC gần như đóng sập do không có người mua.
Sau gần 1 năm “mất tích”, ngày 10-4-2015, BHC được giao dịch trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 1.700 đồng/CP. Cũng như trước khi rời sàn HNX, lần trở lại này của BHC không thu hút được sự quan tâm của NĐT, nên thanh khoản gần như không có. Thậm chí, lần tái xuất này ghi thêm dấu ấn buồn, khi CP BHC sớm bị đưa vào danh sách hạn chế giao dịch từ ngày 26-5-2016 (chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6) do vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31-12-2015 âm.
Đến thời điểm hiện tại, dù liên tục đưa ra nhiều giải pháp nhằm vực dậy doanh nghiệp, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của BHC vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo BCTC 2019 kiểm toán, dù thoát lỗ trong năm 2019 (lãi 143 triệu đồng), nhưng BHC vẫn còn lỗ lũy kế gần 80 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 86,6 tỷ đồng. “Những điều kiện này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty” - trích ý kiến của công ty kiểm toán.
Từ ý kiến trên của công ty kiểm toán, có thể khẳng định khả năng hoạt động liên tục của BHC hiện phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh có lãi, và việc tiếp tục tài trợ của các chủ đầu tư trong tương lai. Thế nhưng, theo như thừa nhận của lãnh đạo BHC, doanh nghiệp hiện đang nợ ngân hàng số tiền lớn, nợ nhà cung cấp bị kiện tụng, trong khi công nợ hầu hết khó đòi và không có khả năng thu hồi. Ngược lại, nguồn thu rất hạn hẹp, chỉ đảm bảo việc nộp thuế phát sinh, trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng.
Trong lần tái cơ cấu gần nhất, BHC quyết định chuyển đổi mô hình theo hình thức cho thuê nhà máy và thanh lý các vật tư không còn nhu cầu sử dụng. Do đó, doanh thu chính của BHC đến từ nguồn thu từ cho thuê nhà máy và thanh lý hàng hóa. |