Thăng trầm
Tiền thân của HKB là CTCP Thương mại và Đầu tư Hà Nội - Kinh Bắc, được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của HKB là chế biến và kinh doanh sắn lát, hồ tiêu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn, cám gạo, đậu tương), chế biến lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Ngày 8-4-2015, HKB niêm yết chính thức trên HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng/CP. Thời điểm chào sàn HKB được đánh giá là 1 trong những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước.
Kết quả kinh doanh năm 2014, HKB đạt 455 tỷ đồng doanh thu (tăng 15,6%), trong đó sắn lát là mặt hàng đem lại doanh thu lớn nhất với 330 tỷ đồng, đồng thời cũng là sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận gộp lớn nhất (9,44%). Lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng (tăng gấp 7 lần), trong đó ngô là sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận gộp cao thứ 2 với 3,25%. Với kết quả này, HKB mạnh dạn đề ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 ấn tượng, với doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng (tăng 251,57%), lợi nhuận sau thuế đạt 60,84 tỷ đồng (tăng 219,44%), cổ tức 15%.
Quang cảnh kho hàng của HKB.
Thế nhưng, những con số này không thể giúp HKB có phiên chào sàn thành công. Chuỗi phiên giao dịch sau ngày chào sàn là chuỗi ngày “ác mộng” đối với cổ đông HKB khi CP này liên tục rớt giá. Đến ngày 7-5-2015, HKB chỉ còn giao dịch trên mốc 6.000 đồng/CP. Sau thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá, HKB liên tục được NĐT mua vào và đẩy giá lên xấp xỉ 33.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 14-7-2016.
Sau khi đạt đỉnh lịch sử này, HKB bị bán ra mạnh và rơi xuống dưới mệnh giá chỉ trong vòng 1 tháng. Đã không có bất ngờ xảy ra như đợt hồi phục của năm 2016, HKB gần như rơi tự do trước áp lực xả hàng từ các NĐT đang nắm giữ, trước những thông tin hết sức bất lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, HKB chỉ còn giao dịch ở mức 600 đồng/CP. Như vậy, nếu tính từ giá chào sàn 15.000 đồng/CP HKB đã “bốc hơi” đến 96% giá trị (chưa tính các đợt điều chỉnh phát hành thêm CP).
Lệ thuộc vốn vay
Cuối năm 2015, HĐQT của HKB bất ngờ triệu tập HĐCĐ bất thường để bàn về phương án phát hành CP tăng vốn điều lệ và điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2015. Cụ thể, HKB đều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ đồng xuống còn 320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 60,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng, cổ tức từ 15% xuống còn 0%.
Theo lý giải của HĐQT, do NHTMCP Đại dương (Oceanbank) bị đưa vào diện bị kiểm soát, đã ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn vay của HKB, dẫn tới kế hoạch kinh doanh gặp nhiều khó khăn do không huy động đủ vốn vào thời gian cao điểm. Do vậy, HĐQT của HKB buộc phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh. HKB chỉ thật sự “gục ngã” kể từ quý II-2017 khi bất ngờ công bố lợi nhuận âm 23,7 tỷ đồng.
Theo giải trình, một trong những nguyên nhân dẫn tới lỗ lớn do doanh thu sụt giạm mạnh 77% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn bỏ ra lớn hơn doanh thu nên HKB đã lỗ gộp 3,3 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 5,5 tỷ đồng lên 14,9 tỷ đồng, cũng là nguyên nhân khiến HKB lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ là khởi đầu cho những khoản lỗ khủng doanh nghiệp này phải gánh chịu sau đó. Cụ thể, năm 2017 HKB lỗ 67,3 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 142,7 tỷ đồng.
Cổ đông lớn tháo chạy Với kết quả không như mong đợi nêu trên, HKB bị HNX đưa vào diện kiểm soát từ ngày 5-4-2019 (chỉ được giao dịch phiên thứ sáu hàng tuần). Ngoài ra, HKB còn bị HNX nhắc nhở trên toàn thị trường do vi phạm công bố thông tin 3 lần (kể từ ngày 1-1-2019). Chứng kiến sự tuột dốc thê thảm của HKB, trước đó nhiều tổ chức lớn và cả cổ đông nội bộ đua nhau bán ra CP để cắt lỗ. Đơn cử, vợ chồng thành viên HĐQT Trần Minh Tuấn bán ra khoảng 9 triệu CP; Tổng giám đốc Dương Đức Ngọc bán ra 1,8 triệu CP; CTCP Quản lý quỹ Việt Cát bán ra 2,34 triệu CP và không còn là cổ đông lớn của HKB.
Tính tới thời điểm hiện tại, HKB không có bất kỳ tổ chức nào nắm giữ hơn 5% cổ phần. Người nắm giữ CP nhiều nhất và cũng là cổ đông lớn duy nhất tại HKB là ông Dương Quang Lư, Chủ tịch HĐQT, hiện đang sở hữu 9,5 triệu CP (tương đương 18,5% vốn điều lệ). Ở chiều ngược lại, nhằm hạn chế đà giảm của giá CP, 2 thành viên HĐQT là ông Trương Danh Hùng và ông Đỗ Thái Anh đã đăng ký mua tổng cộng 6 triệu CP HKB (tương đương 11,6% vốn điều lệ).
Tuy vậy, hết thời hạn đăng ký giao dịch, cả 2 thành viên HĐQT vẫn không hề có động thái mua CP như thông báo trước đó, với “lý do cá nhân”. Không chỉ 2 thành viên HĐQT thất hứa, ngay cả ông Dương Quang Lư cũng có hành động tương tự khi đăng ký mua 3 triệu CP nhưng sau đó “lờ” luôn. Lý do ông Lư đưa ra là “ưu tiên nguồn vốn cá nhân hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.
Năm 2019, HKB bất ngờ báo lãi 2 tỷ đồng và CP cũng được dỡ bỏ khỏi danh sách hạn chế giao dịch. Thế nhưng, sự “tháo chạy” của cổ đông lớn và những lời hứa hẹn… suông của lãnh đạo chủ chốt, đang dần xói mòn niềm tin cổ đông vào sự hồi phục của doanh nghiệp. Đây là lý do khiến HKB không thể bứt lên, dù đang giao dịch ở mức giá vỏn vẹn 600 đồng/CP.
Sự cố Oceanbak đã xảy ra từ năm 2015 nhưng đến thời điểm hiện nay, HKB vẫn loay hoay trong các kế hoạch tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng để có vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. |