Từ cái tên Ba Châu…
Sáng ngày 1-5-1975, trước gần 11.000 nhân viên của hệ thống ngân hàng chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đến trụ sở 17 Bến Chương Dương (nay là số 8 Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM) trình diện, ông Lữ Minh Châu (còn gọi là Ba Châu) đã chính thức thay y phục “Quân quản K3”, đọc lệnh quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng và tuyên bố chính quyền cách mạng sẽ tiếp quản các quyền lợi và nghĩa vụ của hệ thống ngân hàng cũ tại Sài Gòn.
Những người chứng kiến vô cùng ngạc nhiên, bởi trước đó trong giới tài chính ngân hàng trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định không ai không biết ông Ba Châu với cái tên Nguyễn Văn Thảo, Thư ký Hội đồng quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Tín dụng, giờ đây lại được cử làm Trưởng ban tiếp quản các ngân hàng ở khu vực Sài Gòn.
Và không ai ngờ rằng trước đó 5 năm, ông Ba Châu đã thực hiện kế hoạch trà trộn vào giới tài chính ở Sài Gòn, để âm thầm nắm rõ hệ thống ngân hàng và xây dựng cơ sở mật, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển tiền từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Trở lại những ngày đầu tháng 4-1970, sau sự kiện đảo chính Lonnol tại Campuchia, hoạt động của Ban Tài chính đặc biệt (N2683) bị ngừng lại. Toàn bộ số tiền cất giấu trước đó đã được vận chuyển an toàn về căn cứ của Trung ương cục miền Nam tại Tây Ninh.
Song do cơ sở tại Sài Gòn đã bị lộ, phương pháp chuyển tiền FM (chuyển tiền điện tử thông qua nghiệp vụ thanh toán của các ngân hàng tại Sài Gòn) không còn thực hiện được. Lúc này, đích thân ông Phạm Hùng (lúc đó là Bí thư Trung ương cục miền Nam), đã giao nhiệm vụ cho ông Ba Châu bí mật vào Sài Gòn tổ chức lại mạng lưới.
Khi vào được Sài Gòn với thẻ căn cước công dân VNCH Nguyễn Văn Thảo, ông Ba Châu lập tức đi học lớp đào tạo nghiệp vụ ngân hàng ngắn hạn do Ngân hàng Quốc gia tổ chức, với kế hoạch xin việc tại một ngân hàng tại Sài Gòn.
Một thời gian sau, ông chính thức trở thành Thư ký Hội đồng quản trị rồi trở thành Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn Tín Dụng. Với các vị trí “vỏ bọc” này từ năm 1970 đến trước tháng 3-1975, ông Lữ Minh Châu âm thầm tìm hiểu toàn bộ hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn.
Ông liên tục đi lại các chi nhánh ngân hàng thuộc khu vực các tỉnh Đông và Tây Nam bộ, các khu vực Cần Thơ, Mỹ Tho, Vũng Tàu… bí mật để kết nối các cơ sở hoạt động ngầm. Phương pháp chuyển tiền FM theo đó được nối lại. Đồng đô la Mỹ biến hóa thành tiền Sài Gòn chuyển vào chiến trường được tiến hành vô cùng thuận lợi.
Tại Trung ương cục miền Nam, ngày 10-4-1975, Ủy ban Quân quản được thành lập. Trung ương trực tiếp chỉ thị các đơn vị thuộc Ban Kinh tài gấp rút chuẩn bị các công tác phục vụ tiếp quản Sài Gòn.
Đơn vị Ngân khố C32 được phân công trên danh nghĩa “Ban Quân quản K3”, làm nhiệm vụ tiếp quản hệ thống ngân hàng tại các khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông Ba Châu được cử làm Trưởng đoàn Quân quản, ông Trần Quang Dũng (Ba Dũng, C Phó C32) giữ chức vụ Phó đoàn. Các ông Lý Hồng, Nguyễn Thành Nguyên, Phạm Văn Hài, Nguyễn Văn Giàu… lần lượt được bố trí làm ủy viên, chịu trách nhiệm tổ chức anh em cán bộ C32 chuẩn bị hành quân tiến về Sài Gòn.
Rạng sáng ngày 29-4-1975, đơn vị Quân quản K3 nhận được lệnh hành quân sau gần 20 ngày chuẩn bị. Khi bắt đầu di chuyển từ căn cứ Đồng Ban (Tây Ninh), đoàn Quân quản K3 được phân công đi cùng với các đơn vị bộ đội và khối Dân chính Đảng trong căn cứ, bao gồm các ngành Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp, Nông nghiệp, Giao bưu... Riêng lực lượng tiếp quản của K3 gồm 3 trung đội được phân công trên 3 xe jeep, 1 xe tải được trang bị vũ khí lương thực.
Phương châm “thay ruột giữ vỏ”
Sáng ngày 1-5, Đoàn Quân quản K3 từ Trường Kỹ thuật Cao Thắng (nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) di chuyển đến tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Theo lời kể của một số cán bộ thuộc Ban Ngân khố C32, ngay trong buổi tối ngày 30-4, Ban Quân quản K3 đã phát lệnh triệu tập toàn thể công chức, viên chức cũ thuộc hệ thống ngân hàng tại thành phố, yêu cầu sáng 1-5 đến trụ sở Ngân hàng Quốc gia nghe chủ trương mới.
Sáng hôm sau, có khoảng gần 11.000 cán bộ, nhân viên thuộc 22 ngân hàng trong nước và 14 ngân hàng nước ngoài đến trình diện tại trụ sở Ngân hàng Quốc gia.
Nhận thức được việc sử dụng lại nguồn nhân lực của các ngân hàng chế độ cũ là điều cần thiết trong việc tiếp quản, ngay ngày 1-5, Ban Quân quản K3 tổ chức hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.
Tại Hội nghị này, hầu hết cán bộ, nhân viên của các ngân hàng đều đến tham dự. Từ chỗ hoang mang lo ngại, nhiều người bắt đầu tỏ thái độ tôn trọng rồi hợp tác một cách rất chân thành và đầy thiện chí với Ban Quân quản K3.
“Lúc đó Ban Quân quản K3 chỉ có 3 trung đội, trong đó chỉ có 1 trung đội là cán bộ ngân hàng có nghiệp vụ, vì thế nếu không tận dụng được đội ngũ cán bộ cũ của các ngân hàng tại Sài Gòn, thì không thể tiếp quản hết hệ thống gần 400 chi nhánh ngân hàng với rất nhiều hồ sơ, tài liệu và tiền bạc. Chính vì thế, ngay từ đầu anh em trong Ban Quân quản đã quán triệt, khi đến tiếp quản chỗ nào đều phải xử lý thấu tình đạt lý. Tất cả những nhân viên cũ muốn ở lại làm việc đều được giải quyết nhanh chóng để không gây ra xáo trộn lớn” - ông Phạm Văn Hài, một cán bộ Đoàn Quân quản K3 cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nguyên, người trực tiếp tiếp quản hệ thống sổ sách kế toán của các ngân hàng tại Sài Gòn cho rằng: “Anh em cán bộ ngân hàng cũ lúc đầu còn dè dặt. Sau đó thấy mình (tức cán bộ đoàn Quân quản K3) đối xử tử tế, không hách dịch, nên họ bắt đầu hợp tác. Bao nhiêu tài liệu, tiền bạc, hồ sơ giấy tờ cất ở đâu, còn thiếu chỗ nào họ đều giúp mình nắm lại hết”.
Chính nhờ sử dụng lại đội ngũ nhân lực của các ngân hàng cũ, chỉ một tuần sau ngày Giải phóng, tất cả các ngân hàng trên địa bàn Sài Gòn đã hoạt động trở lại bình thường. Hầu hết các hồ sơ, tài liệu đều không bị mất mát. Các quyền lợi nghĩa vụ theo hợp đồng đều được thông báo do Ban Quân quản kế thừa tiếp nhận.
Vì thế không chỉ các ngân hàng trong nước mà cả các ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn thời điểm đó đều khá hài lòng và hợp tác chặt chẽ với Ban Quân quản K3.
Gần một tháng sau ngày Giải phóng, nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm của nhân dân và tiền gửi thanh toán của các tổ chức, bắt đầu thúc bách Chính phủ Cách mạng Lâm thời cần phải thành lập một ngân hàng mới để thực hiện tiếp nhận và giải quyết tất cả các nghĩa vụ, quyền lợi mà các ngân hàng cũ để lại.
Ngày 6-6-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra Nghị định thành lập ngân hàng, lấy lại tên cũ là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ông Trần Dương được bổ nhiệm làm Thống đốc. Tiếp sau đó, Ngân hàng Quốc gia tiếp tục ra quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn - Gia Định, và bổ nhiệm ông Lữ Minh Châu làm Giám đốc.
Bằng việc lấy lại tên gọi cũ và sử dụng lại hầu như toàn bộ đội ngũ nhân sự của các ngân hàng tại Sài Gòn trước đó, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã kế tục được vai trò hội viên của chính quyền thuộc chế độ cũ tại các tổ chức tài chính quốc tế IMF, World Bank, ADB... nhằm tiếp thu và bảo vệ vốn mà chính quyền cũ đã đóng góp trước đây.
Điều quan trọng, chính là cảm quan chính trị nhạy bén, khi quyết định lấy tên gọi Ngân hàng Quốc gia đã mở ra cánh cửa mới, đưa ngành ngân hàng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào vị trí hội viên chính thức của các tổ chức tài chính quốc tế quan trọng vào tháng 9-1976.
Đặt nền tảng cho việc những năm sau đó Chính phủ tiến hành thống nhất tiền tệ chung của cả nước, và chuyển đổi toàn bộ hệ thống ngân hàng từ mô hình một cấp sang mô hình hai cấp vận hành theo cơ chế thị trường kéo dài cho đến hiện nay.
-------------
(Ghi theo lời kể của các ông Nguyễn Thành Nguyên, Phạm Văn Hài, Nguyễn Văn Giàu, Hoàng Xuân Tùng, nguyên cán bộ Ban Quân quản K3)