Hồ sơ Panama
Vụ Hồ sơ Panama năm 2016 được xem là một trong những vụ rửa tiền bị phanh phui lớn nhất lịch sử, điển hình cho cách rửa tiền thông qua tài khoản nước ngoài. Hồ sơ Panama bao gồm 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật nước ngoài Panama và nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp Mossack Fonseca. Các tài liệu chứa thông tin tài chính của các cá nhân giàu có và quan chức nhà nước ở hàng trăm quốc gia.
Nó liên quan đến 214.488 công ty/tổ chức ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về cá nhân, nó liên quan đến ít nhất 12 lãnh đạo đứng đầu chính phủ các nước, 128 chính trị gia và quan chức cấp cao, 29 tỷ phú trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn, và hàng trăm siêu sao, người nổi tiếng.
Theo điều tra của các nhà báo của Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) từ 107 tổ chức truyền thông ở 80 quốc gia, Mossack Fonseca đã giúp những cá nhân hối lộ, tham nhũng, tội phạm, người nổi tiếng rửa tiền phi pháp của họ qua nhiều quốc gia, sau đó chuyển đến cất giấu ở những “thiên đường thuế”, trong đó có những trạm trung chuyển chủ yếu từ Luxembourg tới Panama, từ Thụy Sĩ tới quần đảo Vierges thuộc Anh, từ quần đảo Samoa (Nam Thái Bình Dương) tới Seychelles (quốc đảo nằm trên Ấn Độ Dương), từ Monaco tới Bahamas…
Vụ Ngân hàng Wachovia
Vụ rửa tiền ở Ngân hàng Wachovia được xem là vụ rửa tiền lớn nhất về giá trị. Theo cáo buộc, ngân hàng này đã cố ý phớt lờ các tiêu chuẩn về chống rửa tiền, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm rửa 378,4 tỷ USD trong giai đoạn 2004-2007. Điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết số tiền này liên quan các tổ chức buôn lậu ma túy của Mexico và Colombia.
Vụ rửa tiền bắt đầu được phanh phui vào năm 2005, khi Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) phát hiện các tổ chức buôn lậu ma túy của Mexico và Colombia chuyển các khoản lợi nhuận bất chính ở Mỹ về Mexico. Theo đó, bọn tội phạm chia nhỏ số tiền và gửi chúng vào nhiều tài khoản ngân hàng tại Mexico, rồi lại chuyển khoản đến Ngân hàng Wachovia, biến chúng thành tiền sạch theo luật pháp Mỹ.
Những tội phạm khét tiếng
Nếu 2 vụ trên liên quan đến các tổ chức, vụ rửa tiền cá nhân gây chấn động nhất là trường hợp của Pablo Escobar, ông trùm ma túy của Colombia. Có thời điểm băng đảng của y kiểm soát 80% hoạt động buôn bán cocaine trên thế giới.
Để xài tiền buôn bán ma túy, Escobar đã dùng các ngân hàng “thân thiện” rửa số tiền ma túy khổng lồ của mình. Năm 1989, tài sản cá nhân của Escobar ước tính 9 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 7 trên thế giới khi đó. Sự nghiệp phạm tội và cuộc đời của Escobar đã kết thúc vào năm 1993 sau cuộc đấu súng với chính quyền Colombia.
Tội phạm rửa tiền không thể không nhắc tới là Al Capone, người được cho đi đầu trong việc khai sinh các âm mưu rửa tiền hiện đại. Người ta ước tính ông đã rửa khoảng 1 tỷ USD thông qua các hoạt động kinh doanh khác nhau. Các cơ sở kinh doanh đầu tiên của Al Capone trên thực tế là các tiệm giặt ủi, hoạt động bằng tiền mặt, rất hữu ích trong việc che giấu và ngụy tạo các khoản thu lợi bất hợp pháp. Và thực tế này thường được coi là nguồn gốc của cụm từ “rửa tiền” (laundering) trong tiếng Anh nghĩa là giặt là. Nhưng Capone bị truy tố vào năm 1931 vì trốn thuế, không phải tội rửa tiền.
Đàn em của Capone là Meyer Lansky, dù được cho là người đã khai sinh cách rửa tiền theo kiểu “con la” (thuê người rửa tiền) và “tài khoản nước ngoài”, nhưng cũng không bị kết tội rửa tiền. Ông ta được biết đến với biệt danh “Nhà ngân hàng cho Mafia Mỹ”. Lansky biết rằng với sự kết tội của Capone, các nhà chức trách liên bang Mỹ sẽ tìm cách thu giữ các quỹ của Mafia.
Vì vậy, Lansky đã mua một ngân hàng Thụy Sĩ và bắt đầu chuyển hàng triệu USD ra khỏi đất nước, thông qua một hệ thống phức tạp gồm các công ty bình phong, công ty mẹ và tài khoản ngân hàng nước ngoài vào ngân hàng Thụy Sĩ của mình.