Nợ công châu Âu: Quá nhiều rủi ro

TTCK toàn cầu bật lên mạnh mẽ sau cuộc họp thượng đỉnh của châu Âu đêm 26-10. Các chỉ số chứng khoán chính ở Hoa Kỳ có phiên tăng điểm mạnh nhất từ năm 1974, trong khi chứng khoán Hy Lạp tăng tới 13% vào đầu phiên giao dịch ngày 27-10. Phải chăng những thỏa thuận đạt được sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng nợ đã hoành hành ở lục địa già suốt 2 năm qua?

TTCK toàn cầu bật lên mạnh mẽ sau cuộc họp thượng đỉnh của châu Âu đêm 26-10. Các chỉ số chứng khoán chính ở Hoa Kỳ có phiên tăng điểm mạnh nhất từ năm 1974, trong khi chứng khoán Hy Lạp tăng tới 13% vào đầu phiên giao dịch ngày 27-10. Phải chăng những thỏa thuận đạt được sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng nợ đã hoành hành ở lục địa già suốt 2 năm qua?

Hủy nợ vẫn nặng nợ

Kế hoạch mới nhất là thỏa thuận hủy 50% nợ Hy Lạp của các trái chủ tư nhân, nhưng giới phân tích cho rằng thỏa thuận này đi kèm với nhiều rủi ro. Trong 340 tỷ EUR nợ công Hy Lạp, khu vực tư nắm giữ khoảng 200 tỷ EUR. Như vậy, thỏa thuận sẽ giúp Hy Lạp xóa được 100 tỷ EUR, tức chưa tới 30% nợ công của Athens.

Số nợ còn lại được chuyển cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các định chế khác. Nhưng những định chế này cho biết sẽ không tham gia việc tái cấu trúc nợ.

Chiếc xuồng cứu sinh của giới lãnh đạo châu Âu có quá nhiều lỗ thủng (Nguồn: Economist)

Chiếc xuồng cứu sinh của giới lãnh đạo châu Âu có quá nhiều lỗ thủng (Nguồn: Economist)

Ngay cả việc cắt giảm 30% nợ này cũng không chắc thực hiện được. Điều này có thể khiến các quan chức châu Âu chỉ còn 2 lựa chọn: dùng tiền từ các quỹ do chính phủ hỗ trợ để lấp đầy khoảng trống, hoặc lệnh cho các nhà đầu tư tư nhân phải hủy 50% nợ.

Tuy nhiên, một khi việc hủy nợ bị ép buộc, Hy Lạp sẽ bị tuyên bố vỡ nợ. Khi đó, các nhà phát hành khế ước bảo hiểm vỡ nợ (CDS) buộc phải bồi thường cho các chủ CDS và một cơn hoảng loạn sẽ diễn ra. Giả sử các trái chủ khu vực tư đều đồng ý hủy 50% nợ và việc tái cấu trúc nợ được hoàn tất một cách tự nguyện, Hy Lạp vẫn chìm trong núi nợ.

Mục tiêu giảm nợ xuống còn 120% GDP vào năm 2020 đòi hỏi Hy Lạp phải có thặng dư ngân sách tương đương 4,5% GDP từ năm 2014, nền kinh tế phải tăng trưởng 3%/năm từ năm 2016.

Rủi ro từ ngân hàng

Một thành phần quan trọng khác của kế hoạch mới là chỉnh đốn 70 ngân hàng lớn nhất châu Âu bằng cách yêu cầu huy động thêm ít nhất 106 tỷ EUR, hòng nâng tỷ lệ vốn an toàn lên 9% so với tổng vốn. Đây cũng là mục tiêu hết sức khó khăn. Khác với những kế hoạch ứng cứu ngân hàng ở Anh hay Hoa Kỳ, các chính phủ châu Âu không bơm tiền trực tiếp vào các định chế tài chính.

Thay vào đó, họ yêu cầu các ngân hàng huy động từ  nhà đầu tư tư nhân, điều hết sức khó khăn và không chắc chắn, đặc biệt khi nhiều ngân hàng đã thua lỗ nặng do đầu tư “nhầm” vào các ngân hàng có vấn đề ở Hoa Kỳ trong giai đoạn 2007-2008.

Một số nhà chuyên môn ước tính 70 ngân hàng cần huy động tới 300 tỷ EUR, tức gấp 3 lần con số các quan chức châu Âu yêu cầu. Mark Luschini, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Janney Montgomery Scott, nói 106 tỷ EUR có thể giúp các ngân hàng châu Âu chịu đựng được những thua lỗ liên quan đến việc tái cấu trúc nợ Hy Lạp, nhưng “không đủ để chịu đựng việc hủy nợ cho Italia nếu nước này có vấn đề”.

Vì vậy, nghi vấn đặt ra là liệu câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có phải là vay nợ nhiều hơn - như kế hoạch mới nhất yêu cầu.

Quỹ bình ổn khó bình ổn

Khả năng huy động vốn của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) phụ thuộc nhiều vào độ tín nhiệm của Đức và Pháp. Giới lãnh đạo châu Âu hứa rằng sẽ dùng quỹ này để bảo đảm cho các nhà đầu tư khi mua trái phiếu mới của Italia và Tây Ban Nha.

Thêm vào đó, họ hy vọng sẽ huy động thêm đầu tư từ khu vực tư để nâng khả năng vay mượn lên khoảng 1.000 tỷ EUR. Tuy nhiên không chắc giới đầu tư có hứng thú chia sẻ mạo hiểm cùng EFSF.

Hơn nữa, dù là một con số khổng lồ 1.000 tỷ EUR cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tài chính của Italia và Tây Ban Nha trong 3 năm. Gói ứng cứu của châu Âu và IMF dành cho Hy Lạp hồi năm ngoái cũng dự định sẽ giúp nước này đủ xoay sở trong 3 năm. Khó khăn nữa là EFSF phụ thuộc nhiều vào Pháp, nước đang có nguy cơ mất tín nhiệm 3A vì những vấn đề thâm hụt và nợ công.

Điều đó khiến Paris sẽ khó khăn và tốn kém nhiều hơn khi đóng góp cho EFSF. Một khi Pháp bị hạ bậc tín nhiệm, khả năng phát hành nợ và thu hút đầu tư vốn từ khu vực tư của EFSF sẽ bị tổn hại nặng. Bên cạnh đó, việc lôi kéo đầu tư của các chính phủ Trung Đông và châu Á vào EFSF cũng không chắc chắn.

“Đây không phải là một giải pháp” - theo Nicolas Véron, thành viên cao cấp Tổ chức Nghiên cứu Bruegel.

Các tin khác