Nợ công toàn cầu đạt kỷ lục 92.000 tỷ USD trong năm 2022

(ĐTTCO) - Theo báo cáo của Liên Hợp quốc được công bố hôm thứ Tư (12/7), nợ công toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD vào năm 2022 khi các chính phủ vay nợ để đối phó với các cuộc khủng hoảng và gánh nặng đang đè nặng lên các nền kinh tế đang phát triển.
Nợ công toàn cầu đạt kỷ lục 92.000 tỷ USD trong năm 2022

Nợ trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong hai thập kỷ qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng gấp 3 lần kể từ năm 2002.

"Thị trường dường như chưa bị ảnh hưởng, nhưng con người thì có. Một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang bị buộc phải lựa chọn giữa trả nợ hoặc phục vụ người dân của họ", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết.

Báo cáo cho biết gánh nặng đối với các quốc gia đang phát triển ngày càng nặng nề hơn do các khoản nợ nước ngoài, các cuộc khủng hoảng chồng chất và chi phí đi vay ngày càng cao. Giờ đây, họ phụ thuộc nhiều hơn vào các chủ nợ tư nhân, khiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn và việc tái cơ cấu nợ phức tạp hơn. Và trong khi các quốc gia đang phát triển gánh ít nợ hơn nhiều so với các quốc gia phát triển, họ lại phải trả nhiều hơn cho khoản nợ đó.

“Trung bình, các nước châu Phi phải trả tiền vay gấp 4 lần so với Mỹ và 8 lần so với các nước giàu có nhất châu Âu”, ông Antonio Guterres cho biết.

Các quốc gia đang phát triển chiếm gần 30% nợ công toàn cầu, trong đó 70% là của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP trên 60% - ngưỡng cho thấy mức nợ cao.

Báo cáo cho biết: "Nợ đã trở thành gánh nặng đáng kể đối với các quốc gia đang phát triển do khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, chi phí đi vay tăng, đồng tiền mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp".

Hơn nữa, cấu trúc tài chính quốc tế khiến việc tiếp cận tài chính đối với các quốc gia đang phát triển không đầy đủ và tốn kém, với các khoản thanh toán nợ lãi ròng vượt quá 10% doanh thu của 50 nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới.

"Ở châu Phi, số tiền chi trả lãi suất cao hơn chi tiêu cho giáo dục hoặc y tế... Các quốc gia đang phải đối mặt với sự lựa chọn bất khả thi là trả nợ hay phục vụ người dân của họ", báo cáo cho biết.

Các chủ nợ tư nhân, chẳng hạn như trái chủ và ngân hàng, chiếm 62% tổng nợ công nước ngoài của các quốc gia đang phát triển.

Ở châu Phi, tỷ lệ tham gia của chủ nợ tư nhân đã tăng từ 30% năm 2010 lên 44% vào năm 2021, trong khi châu Mỹ Latinh có tỷ lệ chủ nợ tư nhân nắm giữ nợ chính phủ bên ngoài cao nhất đối với bất kỳ khu vực nào ở mức 74%.

Ông Antonio Guterres cho biết, hệ thống tài chính toàn cầu đã “không hoàn thành nhiệm vụ của mình” trong việc cung cấp một mạng lưới an toàn để giúp tất cả các quốc gia quản lý “hàng loạt cú sốc không lường trước được” hiện nay như đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và xung đột Nga-Ukraine.

Liên Hợp quốc cho biết, cần có các hành động đa phương để giải quyết vấn đề, bao gồm giải quyết chi phí nợ cao và rủi ro nợ nần ngày càng tăng, mở rộng quy mô lớn nguồn tài chính dài hạn hợp lý cho phát triển và mở rộng tài trợ dự phòng cho các quốc gia có nhu cầu.

Báo cáo cho biết, các bên cho vay đa phương nên mở rộng nguồn tài chính, với các biện pháp như tạm thời đình chỉ các khoản phụ phí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - khoản hoa hồng tính cho người đi vay sử dụng hạn mức tín dụng của IMF - và tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần.

Bên cạnh đó, một cơ chế xử lý nợ cũng cần thiết "để giải quyết tiến độ chậm của Khung chung G20", mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về cách thức hoạt động của cơ chế đó.

Khung xử lý nợ đã được G20 và các chủ nợ chính thức thông qua vào tháng 10/2020 nhằm vào mục đích được xóa nợ, giãn nợ cho các quốc gia gặp khó khăn.

Các tin khác