TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo tính toán của Viện Đào tại Nghiên cứu BIDV, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Bởi hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu Thông tư này không được gia hạn, những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm. Như vậy, nợ xấu sẽ tăng. Nếu không luật hóa Nghị quyết 42, sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.
Chuyên gia này cho rằng, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua, nợ xấu giảm rõ rệt. Nếu không có dịch Covid bùng phát năm 2020 và 2021, nợ xấu gộp đã giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2020. Đồng thời, nợ xấu là vấn đề liên tục chứ không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỷ lệ nợ xấu khoảng 2-3%. Do đó, cần phải có một khung pháp lý để xử lý thay vì để cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc luật hoá Nghị quyết 42 là góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Hiện nay, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc lúng túng và chồng chéo.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, dù Nghị quyết 42 giúp đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Hiện nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.
Bên cạnh đó, trong chính nghị quyết này cũng có những bất cập. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên.