Nợ xấu tăng vọt trở lại
Tính đến thời điểm này, hơn 25 NHTM đã công bố báo cáo tài chính quý III-2018. Trong đó, 23 NH công bố đầy đủ con số về nợ xấu. Trong số đó chỉ 4 NH là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank ghi nhận nợ xấu giảm. Các nhà băng còn lại đều có tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ, chủ yếu tập trung vào nợ nhóm 5. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 1,76% (cuối năm 2017 là 1,61%). Theo đó, tổng cộng 3.091 tỷ đồng nợ xấu mới đã phát sinh, tập trung vào nhóm 4 và nhóm 5.
Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng từ 1,14% lên 1,36% trong 9 tháng; nợ xấu mới hình thành 3.370 tỷ đồng, chủ yếu nợ nhóm 5; dư nợ xấu tăng 34,6% so với đầu năm lên 12.127 tỷ đồng. Tương tự tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 1,14% lên 1,18%, tổng số dư nợ xấu là 8.165,5 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 4.578 tỷ đồng tăng 136% so với đầu năm.
Về bản chất, những tài sản thế chấp NH trở thành nợ xấu không phải là tài sản tốt. Hiện những TSĐB tốt trong nhóm nợ xấu đã bán hết chỉ còn lại những vị trí không thuận lợi, khó triển khai, tính khả thi thực tế không có nên rất khó tìm người mua. Đó cũng là lý do VAMC chỉ rao bán, đấu giá nhưng không có người mua nên phải trả lại cho NH. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia |
Tại các NHTMCP, một số ít nhà băng tăng nhẹ nợ xấu, như LienVietPostBank tăng từ 1,08% lên mức 1,32%; TPBank tăng từ 1,08% lên 1,24%; VietBank tăng từ 1,34% lên 1,68%. Còn đa số NH có xu hướng nợ xấu tăng cao. Nợ xấu của SHB tăng thêm 5.421 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,33% lên 2,75%.
Techcombank tăng từ 1,61% lên 2,05%, tương đương tăng thêm 3.426 tỷ đồng. MB ghi nhận thêm 3.217 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu từ 1,2% lên 1,57%. Nợ xấu của OCB tăng từ 1,79% lên 2,65%, tương đương tăng thêm 1.426 tỷ đồng, MaritimeBank tăng từ 2,22% lên 2,48% với 992 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm...
Tại thời điểm cuối tháng 9, Saigonbank, PGBank và VPBank là các NH có nợ xấu cao nhất. Cụ thể tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank lên tới 6,4% vào cuối tháng 9, so với mức 3% hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu PGBank tăng mạnh từ 3,23% lên 4,49% và VPBank tăng từ 3,39% lên 4,7%. Nợ nhóm 5 của một số NHTMCP cũng có xu hướng tăng mạnh, như VPBank tăng 62%, ACB tăng 62%, TPBank tăng 46%, Saigonbank tăng 39%...
Ngoài ra, Sacombank có 80% nợ xấu là nợ nhóm 5, trong khi tại VIB nợ nhóm 5 chiếm 88% và tại BacABank chiếm đến 97%.
Nợ chảy ngược từ VAMC về NH
Trong một hội thảo vừa diễn ra, đại diện của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, nhận định nợ xấu có xu hướng tăng kể từ năm 2007 và trở thành vấn đề nóng từ năm 2011, khi tốc độ tăng lên tới 51% trong giai đoạn 2008-2011, gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong cùng giai đoạn. Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu gia tăng chạm mức cao nhất với 17% tổng dư nợ.
Từ giữa năm 2012 đến 2017, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. Hiện nay, nếu tính cả nợ xấu VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu thực tế 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn tính đến tháng 9-2017 là 566.000 tỷ đồng (chiếm 8,61%) và giảm 1,47% so với năm 2016 (600.000 tỷ đồng, chiếm 10,08%). Tuy nhiên, 9 tháng của năm 2018, nợ xấu rục rịch tăng lên.
TechcomBank với mức lợi nhuận kỷ lục 7.774 tỷ đồng trong 9 tháng,
nhưng nợ xấu cũng tăng từ 1,61% lên 2,05%, tương đương 3.426 tỷ đồng.
nhưng nợ xấu cũng tăng từ 1,61% lên 2,05%, tương đương 3.426 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng trong thời điểm này xuất phát từ nhiều lý do. Một trong số đó có tác động lớn nhất đến tỷ lệ này, là nhiều khoản nợ xấu đang “hồi hương” sau 5 năm bán cho VAMC. Vì theo Nghị định 53 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC cho phép tổ chức này mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt lãi suất 0%, hàng năm NH vẫn phải trích lập 20% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Khi hết hạn 5 năm hoặc đã trích lập dự phòng đủ số nợ xấu, nếu nợ xấu chưa được VAMC xử lý, TCTD phải mua lại nợ xấu từ VAMC bằng chính trái phiếu VAMC phát hành. Năm 2013, sau khi VAMC đi vào hoạt động, Agribank là NH đầu tiên tiến hành bán nợ cho tổ chức này. Như vậy, với những khoản không xử lý được, trái phiếu đặc biệt sẽ đáo hạn và NH phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán vào nội bảng.
Thực tế, đầu tháng 10, Agribank đã công bố báo cáo tài chính bán niên trong đó cho thấy, 6 tháng đầu năm dư nợ tại VAMC đã giảm 38,5% chỉ còn 25.198 tỷ đồng; đồng thời tổng nợ xấu của Agribank tăng 12% từ 18.000 tỷ đồng lên 20.162 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên 2,18%. Giá trị trái phiếu VAMC cũng sụt giảm đáng kể hơn 38% chỉ còn 25.198 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 15.607 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, mới có 6 NH sạch nợ tại VAMC.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện NH Tài chính, cho biết trong kho của VAMC còn khoảng 210.000 tỷ đồng nợ xấu vẫn án binh bất động, khoản này sẽ bắt đầu quay trở lại các NH khác khi chạm mốc 5 năm. Các khoản này đáo hạn quay về NH cũng lý giải cho nguyên nhân tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng nợ xấu của nhiều NH đã tăng rất mạnh. Một số chuyên gia tính toán, xu hướng này chỉ mới bắt đầu và sẽ còn kéo dài đến năm 2022.
Cần thị trường mua bán nợ
Trong bối cảnh đó, xử lý nợ xấu đang trở thành yêu cầu cấp bách. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng đốc thúc các TCTD rà soát, cập nhật Kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm từ 14-8-2017 đến 15-8-2022. Các NH phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hoặc đúng hạn, và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Cần thị trường mua bán nợ
Trong bối cảnh đó, xử lý nợ xấu đang trở thành yêu cầu cấp bách. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng đốc thúc các TCTD rà soát, cập nhật Kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm từ 14-8-2017 đến 15-8-2022. Các NH phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hoặc đúng hạn, và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong làn sóng nợ xấu hồi hương, hướng xử lý nợ xấu vẫn chưa thật sự khả quan.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong thời hạn 5 năm bán nợ cho VAMC, mỗi năm NH trích lập dự phòng rủi ro và đến thời điểm đáo hạn đã trích lập dự phòng xong, có thể dùng để mua lại nợ và lấy lại TSĐB để tự bán đấu giá thu hồi nợ.
Nhưng hiện nay, TSĐB của nợ xấu đang được tung ra bao gồm lớn lẫn nhỏ đã quá nhiều, cùng với đó là những khoản nợ đáo hạn từ VAMC, khiến nguồn cung càng dư thừa trong khi nguồn lực trong nước có hạn. Do vậy, cách giải quyết bài toán này đã được đề xuất từ lâu, đó là sớm hình thành một thị trường mua bán nợ.
Đồng quan điểm, ông Lê Việt Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng Việt Nam rất cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ để giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.
Song song đó là đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp cho bên mua và bán xác định được giá trị của khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán.
Thế nhưng, thị trường mua bán nợ đúng nghĩa theo thị trường đến nay vẫn đang bỏ ngỏ.