Nobel kinh tế 2020: Lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế

(ĐTTCO)-Nobel kinh tế 2020 đã gọi tên hai giáo sư Paul Milgrom và Robert Wilson với công trình “Phát triển lý thuyết đấu giá và sáng lập các thể thức đấu giá mới”. Nobel kinh tế 2020 không chỉ là một lý thuyết kinh tế, hay thậm chí là một phân tích kinh tế. Đó là một phần thưởng vinh danh cho việc thiết kế và sáng tạo một hệ thống kinh tế thật sự vận hành trong thế giới thực, rất minh bạch và cân bằng được các lợi ích trong chính sách công của các chính phủ.
ĐTTC giới thiệu bài viết của GS.TS Trần Ngọc Thơ về những nội dung chính của giải Nobel kinh tế 2020 của lý thuyết đấu giá và một vài hàm ý chính yếu cho Việt Nam.
Nobel kinh tế 2020: Lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế ảnh 1
Lý thuyết đấu giá thật đặc biệt
Nobel kinh tế lần này thật đặc biệt, vì “Ở bất kỳ nơi đâu, lý thuyết đấu giá cũng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chẳng những thế, 2 kinh tế gia Milgrom và Wilson còn có những đóng góp và cải tiến lý thuyết này và mở ra những cách thức hữu hiệu để giúp ích cho bên bán, bên mua, người nộp thuế và chính phủ trên toàn thế giới” - theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Lý thuyết đấu giá đặc biệt, bởi khi mọi người, công ty hoặc hệ thống máy tính tham gia đặt giá trong một cuộc đấu giá, các quy tắc của trò chơi được xác định rõ ngay từ đầu và mọi người đều biết cách chơi. Các mục tiêu của người mua tại bất kỳ cuộc đấu giá nào cũng đơn giản là mua với giá thấp nhất có thể, sao cho không cao hơn chính giá trị món hàng. 
 Nobel kinh tế 2020 không chỉ là một lý thuyết kinh tế, hay thậm chí là một phân tích kinh tế. Đó là một phần thưởng vinh danh cho việc thiết kế và sáng tạo một hệ thống kinh tế thật sự vận hành trong thế giới thực, rất minh bạch và cân bằng được các lợi ích trong chính sách công của các chính phủ.
Định dạng những quy tắc, các nhà kinh tế có thể sử dụng lý thuyết trò chơi để dự đoán hợp lý cách mọi người đặt giá thầu. Những dự đoán như thế có thể được sử dụng bởi những người định dạng đấu giá, để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ được bán theo một cách đáng tin cậy ở mức giá tốt cho những người mua nào thực sự cần chúng nhất.
Trong thế giới thực điều này lại vô cùng phức tạp. Mỗi người đấu giá chỉ biết chút đỉnh thông tin giá trị món hàng. Đôi khi họ có thể tiết lộ thông tin lẫn nhau trong quá trình đấu giá, thậm chí có thể thỏa thuận mọi điều với nhau đằng sau cánh cửa đóng.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi người bán cùng lúc muốn bán nhiều thứ trong cùng một cuộc đấu giá. Chẳng hạn, chính phủ muốn bán sóng vô tuyến viễn thông thương mại, nhưng cũng yêu cầu người trúng thầu phải lắp đặt một tỷ lệ nhất định trạm phát sóng ở các vùng sâu vùng xa.

Giá trị chung và giá trị riêng
Có 2 khó khăn cần xử lý để thực hiện thành công một cuộc đấu giá. Thứ nhất, tại sao những người đấu giá lại có xu hướng đặt giá mua thấp hơn ước tính tốt nhất của họ về giá trị món hàng. Wilson đã tạo ra thuật ngữ “giá trị chung” trả lời câu hỏi này.
Giá trị chung là ước tính ban đầu không chắc chắn của mỗi người tham gia đấu giá, nhưng cuối cùng là giống nhau sau khi kết thúc đấu giá. Ví dụ đơn giản nhất về giá trị chung là khi mọi người đánh cuộc để trả giá cho số tiền trong bóp của một người nào đó.
Milgrom đã phát triển thêm ý tưởng trên bằng cách bổ sung, trong hầu hết các trường hợp đấu giá, người mua thường có cả hai giá trị chung và “giá trị riêng”. Nếu căn nhà có giá trị chung mà hầu hết người đấu giá đều có ý niệm giống nhau, thì giá trị riêng là giá thị trường của những đồ dùng trong một căn nhà (hãy tưởng tượng trong đó có một bức tranh quý).
Giá trị riêng khác nhau ở tất cả những người tham gia đấu giá. Tính không chắc chắn trong giá trị chung và giá trị riêng càng cao, người đấu giá càng đặt giá mua thấp.
Vấn đề thứ hai xuất hiện trong đấu giá là người trúng thầu không hẳn là người mua tốt nhất, thậm chí ngay cả khi chúng diễn ra ở các phiên đấu giá được tổ chức tốt. Đấu giá vì vậy phải hỏi và trả lời 2 câu hỏi cơ bản nhất trong kinh tế học: ai là người xứng đáng nhất nhận được món hàng, với mức giá phải chăng nào?
Nobel kinh tế 2020: Lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế ảnh 2
Định dạng một cuộc đấu giá thành công
Ngoài những nền tảng lý thuyết kinh tế vững chắc, điều độc đáo nữa là Milgrom và Wilson đã định dạng được cách thức đấu giá hữu hiệu chẳng những cho người bán, người mua, người nộp thuế mà còn cho toàn xã hội. Có ba yếu tố chính làm cho cuộc đấu giá thành công.
Điều đầu tiên là đặt ra các quy tắc của cuộc đấu giá. Khác với nhiều nghiên cứu cho thấy đấu giá kiểu Anh hay kiểu Hà Lan đều cho kết quả giống nhau, Milgrom phát hiện trong đấu giá kiểu Anh (mức đặt giá đầu tiên thấp, sau đó ai đặt giá cao nhất sẽ thắng), người đấu giá có xu hướng định giá thấp món hàng hơn so với đấu giá kiểu Hà Lan (người bán đặt giá cao nhất rồi hạ dần cho đến khi có người mua).
Thứ hai là đặc điểm của từng loại hàng. Tùy theo nhận định của mỗi cá nhân tham gia đấu giá về giá trị chung và giá trị riêng của món hàng mà giá cả cuối cùng có thể khác nhau.
Thứ ba là tính không chắc chắn, chẳng hạn người đấu thầu vừa có thông tin riêng của món hàng lại vừa có thông tin riêng của người đấu thầu khác.
Thiết kế một cuộc đấu thầu thành công phải cân nhắc cả 3 yếu tố trên. Nếu không cho dù theo kiểu đấu giá nào cũng giống như cách mà các nhà kinh tế ẩn dụ về “cuộc thi sắc đẹp”.
Cuộc đấu giá cũng giống như cuộc thi sắc đẹp tổ chức trên báo ảnh, người bình chọn này chỉ đoán ý của người kia (thay vì nhìn vào vẻ đẹp thực sự của ứng viên), xem họ dự kiến chọn ai, để rồi từ đó suy ra số đông người sẽ chọn ứng viên nào.
Kết quả của những cuộc đấu giá như thế dẫn đến những thành quả tồi trong các phiên đấu giá tần số vô tuyến Mỹ thập niên 1990. Tiền thu về ngân sách không bao nhiêu, lại còn giao cho những người không biết cách sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Nghiên cứu của Milgrom và Wilson đã giải mã hộp đen những gì cần phải làm trong những trường hợp phức tạp như thế. Họ đã thuyết phục Quốc hội đồng ý cho phép Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) tổ chức bán đấu giá theo kiểu SMRA (tổ chức cùng một lúc nhiều vòng trên nhiều vùng) để chọn ra người chiến thắng.
Kết quả của phiên đấu giá này đã thu về 617 triệu USD, trong khi trước đây gần như cho không. Hàng loạt nước trên thế giới sau đó đã mô phỏng theo cách đấu giá này và đã thu lợi hàng trăm tỷ USD.
Một vấn đề luôn xuất hiện trong bất kỳ cuộc đấu giá nào. Chẳng hạn khi người mua ít có thông tin về trữ lượng hoặc giá cá trong tương lai khi đấu giá quyền khai thác cá, họ sẽ gặp phải rủi ro trả giá quá cao.
Thắng trong cuộc đấu giá nhưng lại thua trong cuộc đời, đây được gọi là “cái giá phải trả của người chiến thắng” (winner’s curse). Để tránh lời nguyền này, người mua sẽ đặt giá mua thấp. Giải pháp cho vấn đề, theo nghiên cứu của Milgrom và Wilson, người bán phải cung cấp càng nhiều thông tin có thể trước mỗi phiên đấu giá, thậm chí cung cấp những đánh giá độc lập của họ về món hàng định bán.
Cứ thế sau nhiều vòng đấu giá, mọi người sẽ hiểu rõ về giá trị ước tính của nhau cho đến khi khám phá ra mức giá tốt nhất. Chẳng những thế, quá trình này còn tìm ra được người mua biết sử dụng hiệu quả nhất các tài nguyên khan hiếm. Đây có lẽ, sẽ là một hàm ý quan trọng bậc nhất của chính sách kinh tế.

Đến các ứng dụng vào chính sách tài khóa, tiền tệ
Có một câu hỏi quan trọng trong chính sách tài khóa, là liệu chính phủ quan tâm đến mức giá cao hay quan tâm đến lợi ích xã hội? 
Chẳng hạn, chính phủ đặt giá tần số vô tuyến thấp hơn, ngân sách tuy hụt thu nhưng cũng có nghĩa giá cước internet rẻ hơn, nhiều người thụ hưởng hơn và do đó mang lại lợi ích xã hội tốt hơn.
Đó là một trong những thành tựu ấn tượng nhất của giải Nobel kinh tế 2020, là giúp cho các chính phủ cách thức thiết lập quyền bán đấu giá thành công tài nguyên khan hiếm bằng cách tối ưu hóa 2 mục tiêu: thu ngân sách quốc gia và đồng thời đảm bảo công ty nào trúng thầu sẽ sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực quốc gia.
Một điều thú vị nữa của lý thuyết đấu giá là ứng dụng vào chính sách tiền tệ. Ngân hàng dự trữ liên bang New York định dạng các kiểu đấu giá thích hợp huy động vốn cho Kho bạc Mỹ. Ngân hàng Trung ương Anh tổ chức nhiều phiên đấu giá thành công trái phiếu liên quan đến các khoản nợ xấu.
Nổi bật nhất là việc Ngân hàng Trung ương Anh mời giáo sư Klemperer - nhà nghiên cứu đấu giá nổi tiếng - định dạng các phiên đấu giá trọn gói nhiều sản phẩm cùng một lúc, phù hợp với tiết lộ về các sở thích của những người tham gia đấu giá trong sự kiện khủng hoảng thanh khoản của Northern Rock năm 2007. Cơ chế này được đánh giá gần giống với cơ chế SMRA của Milgrom và Wilson. 
Nobel kinh tế lý thuyết đấu giá và các ứng dụng của nó hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra, vậy chúng ta có thể học được gì? Chắc chắn, Việt Nam hoàn toàn có thể, có khả năng và nguồn lực để áp dụng các thể thức đấu giá của Milgrom và Wilson trong phân bổ các nguồn lực khan hiếm.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mervyn King nhận định vào năm 2012: “Việc ứng dụng phương pháp đấu giá Klemperer vào hoạt động bơm thanh khoản là một ứng dụng tuyệt vời các lý thuyết kinh tế vào thực tiễn của thị trường tài chính”.
Nobel kinh tế lý thuyết đấu giá và các ứng dụng của nó hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra, vậy chúng ta có thể học được gì? Chắc chắn, Việt Nam hoàn toàn có thể, có khả năng và nguồn lực để áp dụng các thể thức đấu giá của Milgrom và Wilson trong phân bổ các nguồn lực khan hiếm. 
Chẳng hạn đối với câu chuyện thời sự hiện nay là đấu giá đường cao tốc Bắc Nam. Dự án này thuộc dạng tài sản công khan hiếm, quý, và cũng có đặc điểm cũng gần giống như dự án bán đấu giá tần số vô tuyến trên nhiều vùng rộng lớn cả nước, có tác động lan tỏa rất mạnh toàn xã hội.
Chúng cũng cần đảm bảo tính đúng đắn của lý thuyết đấu giá là tối ưu hóa lợi ích cho chính phủ, cho người mua (và chọn đúng người), cho người nộp thuế và toàn xã hội. Các kỹ thuật đấu giá cũng phải hướng đến nền kinh tế số, sự trợ giúp của máy tính và công nghệ thông tin sẽ giảm thiểu tệ nạn quân xanh, quân đỏ đến hiện trường làm giá.

Các tin khác