Tôi kêu gọi người dân Singapore dành sự ủng hộ tương tự cho các bộ trưởng trẻ hơn như các bạn đã dành cho tôi trong suốt những năm qua". Đó là phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong buổi lễ tuyên thệ ra mắt nội các sau cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng 7 vừa rồi. Theo quy định của Hiến pháp Singapore, dù chỉ lấy được 61,23% số phiếu ủng hộ của cử tri, nhưng Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do ông Lý làm Tổng Bí thư, đã chiếm đa số ghế trong quốc hội, nên người đứng đầu đảng sẽ nắm quyền thủ tướng và thành lập chính phủ.
Nội các mới của ông Lý xem ra không có gì mới bởi “bộ sậu” gồm các phó thủ tướng, bộ trưởng tài chính, ngoại giao, công thương, y tế, nhân lực vẫn giữ nguyên, còn các bộ trưởng khác được luân chuyển phụ trách những công việc khác nhau. Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia (MND) trước đây là Lawrence Wong, nay chuyển sang làm tổng tư lệnh ngành giáo dục.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Kiat (trái) được quy hoạch làm người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long (phải) trong nhiệm kỳ quốc hội lần này.
Một bộ trưởng trẻ khác là Desmond Lee, 44 tuổi chưa có thành tích gì đặc biệt cho Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình trong nhiệm kỳ trước, nay được giao trọng trách đứng đầu MND. Khuôn mặt mới duy nhất là ông Tan See Leng làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng và chỉ có sự xáo trộn trong hàng ngũ quốc vụ khanh, với hơn một phần ba là đại biểu quốc hội mới được bầu.
Nhưng việc bố trí bộ trưởng theo quy trình trên là cách làm truyền thống của người đứng đầu chính phủ Singapore, kể từ khi Lý Quang Diệu làm thủ tướng. Ông Lý con dù được sự nâng đỡ của cha, nhưng phải ứng cử quốc hội và phải được người dân bầu chọn trên cơ sở phổ thông đầu phiếu. Sau khi trở thành nghị sĩ lúc 32 tuổi, Lý Hiển Long được cử làm Quốc vụ khanh thuộc Bộ Công Thương (MTI) và Bộ Quốc phòng. Chính thức trở thành Bộ trưởng MTI sau một thời gian khẳng định năng lực guồng máy chính phủ. Ông còn được luân chuyển làm Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương (MAS). Năm 1990, ông được đề bạt làm Phó Thủ tướng sau khi Lý Quang Diệu trao quyền thủ tướng cho Goh Chok Tong, rồi 14 năm sau ông trở thành thủ tướng thứ ba của Singapore.
Quy trình nói trên cũng áp dụng với hầu hết chính trị gia thuộc đảng cầm quyền từ Goh Chok Tong, cho đến các bộ trưởng trong guồng máy chính phủ. Người được chú ý nhất trong tầm ngắm của truyền thông và dư luận hiện nay là Phó Thủ tướng Heng Swee Kiat. Ông Heng có bằng cử nhân kinh tế Đại học Cambridge, ra trường phục vụ cho ngành cảnh sát, sau đó được học bổng chính phủ sang Mỹ học lấy bằng thạc sĩ quản trị công. Năm 1997, ông Heng về nước làm việc cho ngành giáo dục một thời gian rồi làm thư ký riêng cho Lý Quang Diệu lúc đó là Bộ trưởng Cố vấn.
Ông Heng cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành MAS, sau đó tham gia chính trường và được người dân Singapore bầu làm đại biểu quốc hội và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, ông Heng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Tháng 4 năm ngoái, ông được giao thêm trọng trách Phó Thủ tướng và theo quy hoạch của PAP, ông sẽ là thủ tướng thứ tư của Singapore. Điều may mắn là ông Heng và các đồng chí của ông đã thắng trong khu vực bầu cử West Coast với tỷ lệ 52% phiếu bầu, so với 48% của đảng đối lập. Nếu không, ông Heng sẽ từ giã chính trường và PAP phải tìm ứng viên khác cho chức thủ tướng.
Dù sao đi nữa, nội các mới của ông Lý đã đảm bảo được ba tiêu chí, là tính kế thừa bằng cách duy trì lực lượng bộ trưởng dày dặn kinh nghiệm, cơ hội cọ sát thực tế đối với các bộ trưởng trẻ hơn và đổi mới lãnh đạo. Trong buổi lễ tuyên thệ, ông Lý cho biết mục tiêu của mình là lèo lái Singapore vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, sau đó mới có thể bàn giao đất nước "nguyên vẹn và vận hành tốt" cho những người sẽ đưa đất nước tiến xa hơn.
Theo ông Lý, đổi mới lãnh đạo là nhiệm vụ không bao giờ kết thúc và Singapore sẽ tiếp tục cần nhiều người tốt hơn từ mọi thế hệ để dấn thân, tham gia chính trường bằng cách tranh cử để trở thành dân biểu phục vụ đất nước.
“Singapore cần có những nhà lãnh đạo có thể đương đầu với những thử thách của chính trị, toàn tâm toàn ý làm việc và đấu tranh cho những gì họ tin tưởng. Chỉ với một đội ngũ lãnh đạo xuất chúng, hợp tác chặt chẽ với người dân Singapore, chúng ta mới có thể tiếp tục nổi bật trên bản đồ thế giới" - ông Lý nói.
Thật vậy, dù việc đổi mới của đảng cầm quyền PAP vẫn theo những quy trình cũ, nhưng ông Lý và các đồng chí của ông sẽ phải thay đổi tư duy, tầm nhìn phù hợp với thời cuộc và vận hội mới. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi có kết quả bầu cử quốc hội, ông Lý nhìn nhận ý muốn của người dân về những tiếng nói đa dạng trong quốc hội.
Ông cũng mong muốn các đại biểu đối lập mới được bầu và đại biểu không chính thức tham gia và đóng góp cho các cuộc tranh luận tại quốc hội, cũng như các cuộc tranh luận quốc gia, khi Singapore đối phó với cuộc khủng hoảng coronavirus và suy thoái kinh tế. Ông Lý cũng là người đưa ra cơ chế Lãnh đạo Đối lập, một chức danh chính thức dành cho nhà lãnh đạo của đảng thiểu số lớn nhất có thể và chuẩn bị nhậm chức trong trường hợp chính phủ từ chức.
Đảng đối lập chỉ chiếm 10 ghế chính thức trong quốc hội và chuyện chính phủ từ chức chỉ là lý thuyết, nhưng động thái nói trên của ông Lý rất có ý nghĩa trong bối cảnh Singapore phải cùng nhau đoàn kết vượt qua đại dịch. Theo cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, các đại biểu đối lập giờ đây sẽ phải vượt ra giới hạn của việc giám sát và cân bằng. Từ đó có thể đưa ra các chính sách và giải pháp thay thế, giúp người dân biết các lựa chọn có sẵn, ngoài những lựa chọn của chính phủ.
Trên tinh thần đó, nội các mới của Singapore dù được hình thành theo những quy trình cũ nhưng sẽ rất năng động trước tình hình mới. Nội các này thể hiện sự sẵn sàng của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu của những thay đổi về bối cảnh chính trị và chính sách. Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn duy trì niềm tin và sự tôn trọng của người dân, huy động và phát huy các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu của quốc gia.
Singapore, ngày 31-7-2020