Theo đó, với các hãng hàng không trong nước, mỗi tuần có 4 chuyến bay hạ cánh tại Hà Nội vào các ngày thứ ba, tư, năm (tổng số tối đa là 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh ở TPHCM vào các ngày thứ ba, tư, năm, sáu (tổng số tối đa 1.290 ghế).
Đối với phía nước ngoài, Trung Quốc đã chỉ định Hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu - TPHCM với tần suất 1 chuyến/tuần. Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TPHCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay...
Đối với việc vận chuyển khách nối chuyến từ nước thứ ba, Cục HKVN đã xây dựng 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến. Phương án 2, chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; khách phải cách ly đủ 14 ngày và không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày đối với khách nối chuyến.
Phương án 3, cũng như phương án 2 nhưng bổ sung điều kiện toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều không áp dụng quy trình nhập cảnh ngắn ngày.
Cục HKVN cũng đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng đồng ý điều chỉnh đường bay giữa Lào và Việt Nam là Viêng Chăn - Hà Nội và giữa Campuchia và Việt Nam là Phnom Penh - TPHCM.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh thành công bố các cơ sở lưu trú cách ly; mức phí trọn gói lưu trú và xét nghiệm để khách lựa chọn, công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải đủ điều kiện vận chuyển hành khách từ sân bay tới cơ sở lưu trú và mức phí chi trả.
Các địa phương áp dụng thống nhất quy trình tiếp nhận hành khách cách ly, không có các yêu cầu, quy trình riêng đối với các chuyến bay đã được cấp phép bay; đề nghị cho phép các hãng hàng không theo dõi sức khỏe tổ bay khi nhập cảnh, hết 48 giờ không có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19 thì được phép tiếp tục thực hiện các chuyến bay khác.