Số liệu của Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, trong năm 2018 đã có 23 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước 16.739 tỷ đồng.
Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng, đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.
Lũy kế giai đoạn 2016-2018, đã có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 206.024 tỷ đồng.
Năm 2018 đã có 28 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng. Về thoái vốn, năm 2018 các DN đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng. Như vậy lũy kế giai đoạn 2016-2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2018 theo kế hoạch sẽ phải CPH 64 DN, tuy nhiên đến hết năm 2018 mới chỉ CPH được 23 DN. Việc chậm tiến độ này sẽ tạo áp lực sang năm 2019. Cụ thể, năm 2019 theo kế hoạch CPH 18 DN, nhưng sẽ phải cộng dồn thêm 40 DN chưa CPH xong trong năm 2018.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN còn rất chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Lý do khách quan của việc chậm CPH do những DN này có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai.
Thí dụ MobiFone phải giải quyết xong thương vụ mua cổ phần tại AVG mới CPH được; hay như với Agribank, tuy Bộ Tài chính đã có hướng dẫn rà soát đất đai nhưng vì quy mô quá lớn nên đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất cụ thể…
Nhiều DN trong quá trình thoái vốn còn lúng túng, đầu tư các dự án bất động sản rồi thua lỗ nên không dễ để thoái các khoản vốn tại đây. Thời gian qua, Tổng công ty Thép muốn thoái vốn ở dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhưng do có tranh chấp đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, nên việc CPH DN này vẫn giậm chân tại chỗ.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những DN vướng mắc về mặt pháp lý nên còn lúng túng, thì nhiều trường hợp DN đã CPH xong nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm vì nhà đầu tư không mấy mặn mà với những cổ phần được cho là kém hấp dẫn này. Đơn cử như vừa qua, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã đấu giá đến 4 lần nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào mua, vì giá bán lên đến 1.000 tỷ đồng, trong khi dự án lại không hoạt động.
Rõ ràng, DN muốn bán cổ phần trước hết cần phải xử lý vấn đề tồn tại về tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư. Song quan trọng nhất là các dự án thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch, theo thị trường.
Nhận xét về điều này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc CPH DNNN chậm do cơ chế vận hành. Công cuộc tái cấu trúc DNNN đến nay đã 20 năm nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn do cách vận hành “không giống ai”.
Bản chất sở hữu DN trên thế giới chủ yếu tồn tại 2 hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, nhưng ở Việt Nam, sở hữu DN hậu CPH là hỗn hợp nên không thể “copy” các kỹ năng của thế giới để áp dụng được. Do đó, các DNNN ngay cả khi đã CPH thì vẫn “bình mới, rượu cũ”.
“Đối với các DN sau CPH, Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn lớn 30%, 50%, thậm chí là 90%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là CPH. Như vậy cổ phần chào bán sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư. Bởi nhà đầu tư tiềm năng khi mua cổ phần của các DN này là họ xác định cuộc chơi dài hạn, họ phải có quyền quyết định và hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro, song thời gian qua chúng ta lại không làm được điều này” - ông Ánh nhận xét.