Cạnh tranh khốc liệt
Anh Nguyễn Văn Quân (đã tạm ngừng kinh doanh dịch vụ homestay cách nay 2 năm) chia sẻ, năm 2016 anh cùng một người bạn hùn nhau 200 triệu đồng thuê 2 căn hộ chung cư loại 2 phòng ngủ ở quận 12 để làm căn hộ dịch vụ cho thuê ngắn ngày.
Hợp đồng thuê 2 năm, giá 5,5 triệu đồng/tháng. Toàn bộ chi phí đầu tư nội thất hết 130 triệu đồng. Số tiền còn lại dành để chạy quảng cáo trực tuyến, thuê người vận hành, làm vệ sinh. Khoảng 2 tháng đầu khá vắng khách nên phải bù lỗ. Sau đó tình hình cải thiện dần, tỷ lệ lấp đầy phòng 60%-70%, dư được 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thời gian được xem là huy hoàng này cũng chỉ kéo dài 3 tháng cao điểm du lịch.
“Chúng tôi không nghĩ lại trầy trật đến vậy, mặc dù đã cố gắng tăng cường khuyến mãi cà phê, bánh ngọt, tự mình phục vụ phòng, nhưng tình hình kinh doanh vẫn đi xuống. Chưa kể, xuất hiện tình trạng cạnh tranh giá gay gắt, thậm chí cạnh tranh “bẩn” bằng cách bán dưới giá vốn của một số homestay, cũng thuộc diện thuê căn hộ cải tạo thành homestay rồi cho thuê lại, khiến chúng tôi khó khăn hơn. 18 tháng sau, chúng tôi ngừng kinh doanh, chấp nhận lỗ vốn, để lại nội thất, máy lạnh các loại cho chủ căn hộ chỉ bằng 50% giá mua ban đầu”, anh Nguyễn Văn Quân kể lại.
Nhìn chung, mô hình đầu tư homestay “trăm hoa đua nở”. Không chỉ có trường hợp thuê căn hộ rồi cho thuê lại như anh Quân kể trên, mà cũng có những người mua đất làm homestay để đầu tư kiếm lời.
“Mình chỉ làm homestay cho vui thôi, vì mục đích chính là giữ nhà đất, khi nào được giá thì bán đi. Vừa rồi có khách đặt mua, nhẩm tính lời hơn 1 tỷ đồng chỉ sau 1 năm đầu tư mua đất và làm nhà nên mình đồng ý bán ngay”, chị Bình Minh cho biết.
Điều đáng nói, theo lời chị Bình Minh, thời điểm năm 2017 chị mới mua đất đầu tư, những khu rừng xanh mướt còn khá nhiều. Nhưng chỉ vài năm sau, khi cùng gia đình quay lại Đà Lạt, chị Minh giật mình vì thấy mảng xanh ít hơn, người dân làm nhà nghỉ, homestay… nhiều hơn.
Hiểu đúng về homestay
Theo bà Dương Thị Thu Thủy, chuyên viên tư vấn du lịch Công ty Vietnam Discovery Media, homestay là loại hình lưu trú du khách đến cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với chủ nhà để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Còn Airbnb là loại hình lưu trú giá rẻ cho khách và chủ nhà tận dụng phòng trống sẵn có để cho thuê. Thế nhưng, ở nước ta, cả 2 loại hình lưu trú trên đều bị biến thành loại hình cho thuê nhà trọ, tận dụng chung cư hoặc nhà riêng, trang trí đôi chút cho khác lạ để khách đến ở.
Dẫn thêm một số bất cập của loại hình homestay hiện nay, ông Bùi Xuân Phong, Tổng giám đốc Viện Đào tạo - Quản lý khách sạn Việt, cho rằng đối với homestay thì phần lớn chủ nhà ở cùng căn hộ khi có khách thuê phòng, nhưng ở Việt Nam lại không đảm bảo tiêu chí này nên dễ xảy ra sự cố như khách thuê tổ chức đánh bạc, sử dụng ma túy, thậm chí lấy cắp đồ…
Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu thì chi phí khấu hao tài sản, tiền thuê lại nhà hoặc vốn bỏ ra mua nhà là những khoản tiền mà các nhà đầu tư “lơ mơ” ít tính toán đến trong cân đối doanh thu và lợi nhuận của phương án kinh doanh. Ngoài ra, cho khách nước ngoài thuê kiểu homestay hay khách Việt cũng đều phụ thuộc vào mùa vụ nên cơ hội kinh doanh càng khó hơn.
Vậy nguyên nhân do đâu? Bà Dương Thị Thu Thủy khẳng định lỗi ở đây một phần do các nhà tư vấn du lịch quá nôn nóng phát triển du lịch. Kế đến, tâm lý người dân nghe nói tới lợi nhuận liền đổ tiền đầu tư mà thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Ông Bùi Xuân Phong khuyến cáo: “Vận hành kinh doanh dịch vụ lưu trú không phải chỉ ném vài phòng ngủ lên mạng là ngồi thu tiền. Hoặc bạn cũng thu tiền nhưng thu để kiếm tiền cho các trang web trung gian. Kinh doanh mà cứ cái gì thành phong trào thì tính hiệu quả lâu dài rất đáng nghi ngờ”.
Anh Tráng A Chu, chủ nhân của A Chu Homestay, cho rằng loại hình du lịch cộng đồng cần phải có hướng khai thác thích hợp. Tại A Chu Homestay nói riêng, bản Hua Tạt nằm trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) nói chung, thường xuyên đón du khách trong nước và quốc tế ghé thăm, với công suất phục vụ khoảng 200 lượt khách mỗi ngày. Anh Tráng A Chu chia sẻ: “Mình cùng bà con dân bản hợp tác, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Có hộ chuyên thêu thùa và cho khách trải nghiệm; có hộ làm bánh giầy, xay bắp. Hướng dẫn viên cũng là người trong bản đưa khách tham quan các vườn mận, vườn đào, tìm hiểu văn hóa địa phương tại homestay cũng như các gia đình xung quanh bản; buổi tối được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc của núi rừng Tây Bắc. Ngoài ra, khách còn được trèo đồi, nướng thịt, tham gia làm bánh giầy truyền thống dân tộc Mông…”. |