Chưa quan tâm khâu quan trọng
Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, trong tổng số 15 trường hợp bị ngập hầm chung cư từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn quận 2 chiếm 5 trường hợp. Điều này cũng đồng nghĩa với nhận định của nhiều chuyên gia, hầu hết những trường hợp bị ngập thường nằm trong khu vực vùng trũng, khu vực chỉ một trận mưa lớn là ngập.
Nhà cao tầng phải có máy bơm chống ngập Theo chỉ đạo từ UBND TPHCM, các tòa nhà có tầng hầm phải trang bị máy bơm và máy phát điện dự phòng để có thể khắc phục ngập nước và cấp điện dự phòng cho máy bơm trong trường hợp trời mưa lớn, bị ngắt điện. Các công trình cao tầng lập phương án ứng phó, di dời các phương tiện, tài sản tại tầng hầm trong trường hợp tầng hầm bị ngập nước. Thời gian qua nhiều chung cư, nhà cao tầng có tầng hầm đã xảy ra tình trạng ngập nước khi mưa lớn, triều cường làm hư hại tài sản của người dân và xe để trong hầm. |
Trước đó, Sở Xây dựng TP và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đã khảo sát 89 công trình trên địa bàn độ cao từ 9 tầng trở lên có tầng hầm đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Qua kiểm tra có 49/89 công trình chưa nghiệm thu hoặc chủ đầu tư chưa cung cấp được biên bản nghiệm thu hệ thống thoát nước công trình. Riêng về hệ thống thoát nước tầng hầm, có 37/89 công trình chủ đầu tư chưa nghiệm thu, hoặc chưa cung cấp được biên bản nghiệm thu hạng mục.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết thực tế những chung cư bị ngập thường nằm trong những khu vực “vùng trũng” hay có triều cường kèm theo như Thủ Đức, quận 2, Nhà Bè. Chính vì vậy về nguyên tắc khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát mực nước mưa, triều cường tại dự án chuẩn bị xây dựng để xây dựng “cốt nền” của dự án, đảm bảo đối phó với mực nước mưa cũng như mực triều cường ở mức cao nhất.
Bên cạnh, để dự phòng khi trời mưa lớn hay sự cố xảy ra, các chung cư phải có máy bơm dự phòng, hệ thống hầm chứa nước dự phòng để thu nước mưa. Ngoài ra còn có vách ngăn di động để “khóa” các cửa hầm, thậm chí còn phải dùng bao cát để ngăn nước. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều chủ đầu tư không tiên liệu hết những tình huống phức tạp khi mưa lớn, nên nhiều trường hợp có trang bị cũng như không.
Chẳng hạn nhiều chung cư các tủ điện để thấp, nên khi ngập nước không có điện cho máy bơm hoạt động. Cũng có một số trường hợp nước tràn vô tầng hầm chung cư mà hệ thống bơm nhỏ nên không bơm kịp, do các máy bơm này chủ yếu dùng cho việc chữa cháy hơn là thoát nước.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Hòa Bình, cho biết thông thường khi xây dựng chung cư nói chung và tầng hầm nói riêng, đơn vị thiết kế phải khảo sát mực triều cường, lượng mưa, độ ngập khi mưa lớn nhất ở khu vực đó để thiết kế miệng hầm có độ cao an toàn khi mưa. Tuy nhiên, việc khảo sát này không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp.
Các giải pháp tạm thời khi mưa lớn xảy ra như dùng bao cát chắn miệng hầm, thiết kế ron cao su chắn nước, kéo hệ thống cửa ở miệng hầm để hạn chế nước vào, lắp đặt hệ thống bơm để bơm ngược nước ra ngoài… là những giải pháp tình thế giảm thiểu thiệt hại. Từ thực tế này bắt buộc các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế phải xem lại công tác thiết kế để đáp ứng tình hình mới.
Nhiêu khê bồi thường
Theo Sở Cảnh sát PCCC, chủ đầu tư, chủ sở hữu quản lý sử dụng các tòa nhà phải lập trước phương án ứng phó, di dời các phương tiện, tài sản tại tầng hầm trong trường hợp tầng hầm có nguy cơ ngập nước khi mưa lớn. Thực tế cho thấy một số trường hợp rút kinh nghiệm từ những mùa mưa trước bị ngập nên đã có những biện pháp đối phó hữu hiệu trong mùa mưa năm nay như trường hợp tòa nhà số 5 Nguyễn Siêu (quận 1) trong cơn mưa lớn vừa qua.
Về bồi thường cho người bị hại, luật sư Nguyễn Tấn Hải (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng trong trường hợp người mua căn hộ và thuê mua chỗ để xe sẽ thuộc quyền sở hữu của họ. Do đó khi trời mưa lớn, nước ngập hầm xe trách nhiệm thuộc về những người sở hữu. Nếu những người này mua bảo hiểm xe, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Trong trường hợp người mua căn hộ mà không mua hoặc không thuê chỗ để xe, chỗ để ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư, và khi nước ngập chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm.
Tầng hầm của các tòa nhà chung cư thường thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư. Chủ căn hộ trong tòa nhà nếu có nhu cầu gửi xe phải thỏa thuận với chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư và phải trả phí. Theo quy định tại Điều 559 Bộ luật Dân sự, đây là hợp đồng gửi giữ. Nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của bên nào, bên đó sẽ chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng.
Nếu thuộc trường hợp bất khả kháng, cũng phải xét các bên có thực hiện hết trách nhiệm của mình để hạn chế thiệt hại xảy ra hay chưa. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp do trời mưa nhiều gây ngập nước tầng hầm, có thể được xem là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, trong thực tế vừa qua cho thấy, việc bồi thường thiệt hại khi ngập hầm rất nhiêu khê, nên phần lớn người có tài sản bị hư đều chịu thiệt thòi.
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nên về lâu dài các chủ đầu tư cũng như người dân có sử dụng các dịch vụ tại các tầng hầm chung cư đều hết sức tỉnh táo đề phòng mỗi khi có mưa; ngoài các giải pháp kỹ thuật có tính lâu dài từ chủ đầu tư, người sử dụng cũng như bộ phận quản lý chung cư đều phải cẩn trọng mỗi khi trời mưa lớn hay có triều cường.