Phụ thuộc lớn vào bên ngoài
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, nông dân trồng lúa có lãi rất ít, thậm chí nhiều thời điểm bị thua lỗ do chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng giá mạnh. Trong đó, theo tính toán, chi phí về phân bón thường chiếm khoảng 21%-24% tổng chi phí sản xuất lúa, còn chi phí thuốc bảo vệ thực vật khoảng 15%-17%, chi phí về giống 9%-10%.
Như vậy, chỉ riêng các khoản này đã chiếm ít nhất là 45%-50% tổng chi phí. Trong khi các sản phẩm đầu vào này lại chủ yếu là nhập ngoại, nên khi thị trường thế giới biến động về nguồn cung thì sản lượng không chỉ thiếu mà giá cả cũng leo thang, nhất là khi tỷ giá tăng thì chi phí nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng theo.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 7,3 triệu tấn. Do đó, trung bình mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu thêm 3,5-4 triệu tấn phân bón. Có những loại như phân kali, SA… phải nhập khẩu 100% với số lượng khoảng 1 triệu tấn/năm do trong nước chưa sản xuất được các loại này.
Các loại thức ăn chăn nuôi hiện nay Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu rất nhiều. Đáng lo ngại, Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Cụ thể, trong năm 2021, chúng ta đã chi gần 10 tỷ USD để nhập, tăng hơn năm 2020 hơn 1 tỷ USD. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam ước nhập khoảng 8,9 tỷ USD thức ăn gia súc, gia cầm và nguyên liệu các loại.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 11%-12% thì trong vòng 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 28-30 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó 60% phải nhập khẩu. Dự báo trong thời gian tới, nếu không tự chủ được nguồn trong nước, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập tới 12-13 tỷ USD nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, vì chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới 70%-75% giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, thịt heo. Trong tháng 11, người chăn nuôi rất khó khăn khi giá thịt heo hơi từ 63.000-70.000 đồng/kg rớt xuống còn 51.000-55.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao do chủ yếu phải nhập khẩu. Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi đã 17 lần tăng giá liên tục mà không giảm lần nào.
Nguyên nhân giá trong nước tăng vì giá nguyên liệu thế giới chịu ảnh hưởng của lạm phát, tỷ giá USD/VND tăng; thiên tai ở Nam Mỹ và châu Âu làm sụt giảm sản lượng xuất khẩu, xung đột Nga - Ukraine; các quỹ đầu tư lớn đang chuyển hướng sang đầu cơ nông sản, còn Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, hiện nay, chúng ta đang phải nhập khẩu các loại nguyên liệu như: bắp, cám mì, cám gạo, bột xương, bột cá, khô dầu đậu tương từ Mỹ, Argentina, Brazil, EU… Các chuyên gia nhận định, giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ còn tăng trong thời gian tới do chúng ta không tự chủ được nguyên liệu.
Phải tự chủ nguyên liệu
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, nông nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nguồn cung nước ngoài. Chúng ta tự hào là đất nước nông nghiệp, nhưng không chỉ phân bón mà ngay đến bắp, đậu nành cũng phải nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi. Phụ thuộc thường dẫn đến rủi ro là giá cả, chi phí nguyên liệu tăng cao, nhất là khi đứt gãy nguồn cung, tỷ giá biến động mạnh, thiên tai… Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó là phải tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài tới mức tối đa. Những nguyên liệu mà chúng ta không thể sản xuất được thì mới nhập khẩu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, các sản phẩm mà nông nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc có nhiều nhóm như: thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp và giống cây trồng - vật nuôi. Để giảm phụ thuộc về thức ăn chăn nuôi và phân bón, chúng ta có thể phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn (sử dụng phụ phẩm để làm phân bón và thức ăn chăn nuôi), nhất là khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL đang có tiềm năng rất lớn.
Về nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng như hiện nay, phát triển các vùng nguyên liệu bắp, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu, bằng cách chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng bắp hạt và bắp sinh khối. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ cho phép hỗ trợ tối đa 50% (nhưng không vượt quá 2 tỷ đồng cho mỗi dự án) tổng chi phí cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu để thu hút các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia phát triển các vùng nguyên liệu.