Tai họa chực chờ
Cuối năm 2019, nhiều người dân sống tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã một phen hoảng loạn khi chỉ sau một cơn mưa lớn, cát đỏ từ công trình dự án Khu du lịch thung lũng Đại Dương (Công ty Delta-Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư) nằm trên một đồi cao đã trôi xuống như thác lũ, một đoạn trên tuyến đường ven biển ĐT719 đã bị lũ cát xé toạc, nước kèm cát đỏ phủ kín cả một đoạn đường khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Nguyên nhân vụ việc sau đó được xác định là do các ao hồ chứa nước trong dự án bị vỡ do mưa lớn.
Sự cố trên xảy ra được vài tháng thì đến đầu mùa mưa năm 2020, một trận lũ cát tương tự lại xảy ra tại một dự án BĐS ven biển ở tỉnh Bình Thuận gây hậu quả nghiêm trọng. Trận lũ cát kinh hoàng từ dự án Gold Sand Hill Villa do Công ty TNHH Lộc Tú làm chủ đầu tư (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) đã mang theo khối lượng cát khổng lồ, phủ kín khoảng 200m bề mặt đường Huỳnh Thúc Kháng (tuyến đường trọng điểm dẫn vào Khu du lịch Mũi Né, TP Phan Thiết).
Sự cố không chỉ làm giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt trong nhiều giờ mà còn khiến một số nhà dân, khu nhà hàng ngập trong bùn cát, nhiều đồ đạc bị hư hỏng.
Điều đáng nói, trước đó chỉ vài ngày, cũng tại dự án Gold Sand Hill Villa, cát đỏ đã tràn xuống đường làm nhiều người tham gia giao thông bị trượt ngã. Sau đó, lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận đã đến kiểm tra công trình và cảnh báo về vụ việc. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của người dân và các cơ sở kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng đã cơ bản trở lại bình thường, nhưng nhiều người vẫn lo ngại sự việc có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.
Theo ghi nhận, hiện tại khu vực ven biển Hàm Tiến - Mũi Né và Tiến Thành (TP Phan Thiết) đang có nhiều dự án BĐS nằm ở các đồi cát cao đã và đang chuẩn bị thi công nhưng hiện chỉ được che chắn tạm bợ, khiến nhiều người dân khi đi qua đều cảm thấy lo ngại.
“Từ khi có nhiều dự án BĐS thi công, người dân chúng tôi ở đây nắng thì lo bụi, mưa thì lo lở. Mỗi lần chạy xe ngang qua những dự án nằm tít trên đồi cát cao, cảm giác run sợ, chúng giống như những quả bom cát khổng lồ có thể gây họa bất cứ lúc nào ”, ông H.V.T. (người dân phường Mũi Né, TP Phan Thiết) lo lắng.
Thiên tai hay nhân tai?
Theo ông Cao Sơn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, do địa hình chủ yếu là các đồi cát, khu vực ven biển của địa phương thường xuyên xảy ra hiện tượng cát tràn, đặc biệt là vào mùa mưa.
Tuy nhiên, từ những sự cố lũ cát xảy ra tại các dự án BĐS đang thi công, Sở Xây dựng địa phương cũng thừa nhận có phần lỗi của các chủ đầu tư khi chưa đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai dự án.
Trước tình hình này, vừa qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Bình Thuận kiểm tra, khảo sát một số dự án BĐS và một số vùng đất trống ven biển đã và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở để tìm hướng xử lý. Ngành chức năng địa phương yêu cầu và khuyến cáo các dự án đang thi công cần thực hiện các phương án đề phòng sự cố sạt lở.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các dự án để xảy ra sự cố lũ cát thường nằm trên các đồi cát cao, có dự án cách mặt đường trên 25m, phía dưới lại là những tuyến đường giao thông trọng điểm. Trong quá trình tác động của dự án, hệ thống thảm thực vật bị mất đi làm giảm khả năng giữ cát và nước.
Trong khi đó, chủ đầu tư đã không có các giải pháp công trình bảo đảm an toàn để ngăn cát và nước từ trên cao tràn xuống nên để xảy ra sự cố. Vậy nhưng khi sự việc xảy ra, các chủ đầu tư thường đổ lỗi cho mưa lớn, không lường trước được hậu quả!
“Bất cứ dự án BĐS nào trước khi được phép triển khai đều phải có đánh giá tác động môi trường, nhưng tại sao sự cố vẫn cứ xảy ra? Trước kia, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến những trận lũ cát kinh hoàng như vậy, nhưng từ khi có sự xuất hiện của các dự án BĐS thi công, có sự tác động của bàn tay con người thì tai họa liên tục ập đến”, ông Đoàn Quang Minh (ngụ phường Mũi Né, TP Phan Thiết) chia sẻ.
Theo thống kê, từ năm 2012 cho đến nay đã có ít nhất 4 lần các dự án BĐS ven biển ở tỉnh Bình Thuận khi thi công để xảy ra sạt lở, lũ cát gây hậu quả nghiêm trọng. Thiết nghĩ, cần có biện pháp cứng rắn hơn từ các ngành chức năng để tránh những sự cố tương tự xảy ra.