Chia tay vì thua lỗ?
Những ngày cuối tháng 9, cả Aeon và Fivimart đều xác nhận đã chính thức chia tay nhau sau 3 năm kết duyên. Trước đó vào năm 2015, khi Fivimart đang gặp khó khăn về tài chính, liên tiếp phải đóng cửa các siêu thị của mình ở TPHCM, thì bất ngờ đại gia Aeon đề nghị mua lại 30% cổ phần của chuỗi này.
Cái bắt tay với một đại gia giàu tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm bán lẻ như Aeon, đã giúp Fivimart thực sự chuyển mình. Số lượng siêu thị tăng từ 10 lên 23, doanh thu cũng tăng trưởng ấn tượng, có thời điểm tăng đến 20%.
Khi ấy, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, từng cho biết mục tiêu của việc hợp tác này không chỉ vì mục đích tài chính. Theo đó, Fivimart lựa chọn Aeon để cải thiện những điểm yếu của mình trong ngành bán lẻ, tức muốn tìm kinh nghiệm trong việc bán buôn và quản lý của một thương hiệu toàn cầu.
Nếu xét ở góc độ lợi nhuận thì hợp tác giữa Aeon và Fivimart đã không mang lại hiệu quả. Và chia tay có thể do thua lỗ kéo dài. Song cái mà nhiều người vẫn còn thắc mắc là vì sao một đại gia như Aeon khi trực tiếp tham gia điều hành liên kết lại xảy ra tình trạng này, trong khi các siêu thị lớn của Aeon tại Việt Nam đang hoạt động khá tốt. Phân tích của các chuyên gia |
Chuỗi cửa hàng tăng, doanh thu tăng, nhưng suốt 3 năm qua chuỗi siêu thị này lại báo lỗ triền miên. Năm 2016, công ty lỗ tới 96 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ do chi phí bán hàng lớn hơn cả lợi nhuận gộp (ở mức 280 tỷ đồng). Năm 2015 công ty lỗ 60 tỷ đồng và năm 2017 cũng lỗ 23 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Theo thông báo được tập đoàn Aeon đưa ra, nguyên nhân chỉ được giải thích ngắn gọn: “Trong phương hướng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng. Vì vậy, hai công ty đã thương lượng và đi đến đồng ý hủy bỏ hợp tác mang tính phát triển, tạo thuận lợi mỗi bên xúc tiến chiến lược tăng trưởng, đầu tư vào việc cải thiện giá trị công ty, thay vì tiếp tục việc hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn”.
Citimart liệu có nối gót như Fivimart khi chia tay Aeon?
Cuộc chia tay vì thua lỗ gợi nhớ đến một vài cuộc chia tay giữa nhà bán lẻ nội ngoại trước đây cũng vì nguyên nhân này. Đó là cuộc chia tay giữa Familymart và Phú Thái. Familymart là chuỗi CHTL do liên doanh được thành lập bởi đối tác Nhật Bản - Việt Nam (Familymart Nhật Bản nắm 44%, Itochu Nhật Bản nắm 5% và Tập đoàn Phú Thái của Việt Nam nắm 51%).
Sau 3 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã có 42 CHTL trên toàn quốc. Tuy nhiên, năm 2013, Familymart Nhật Bản bất ngờ hé lộ đang bị thua lỗ tại 3 thị trường, trong đó có Việt Nam tổng cộng 11,5 triệu USD trong năm 2012. Trong bối cảnh các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng, sự giảm sút tại Việt Nam khiến đối tác Nhật Bản quyết định rút khỏi liên doanh, đặt dấu chấm hết cho tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015. Sau cuộc chia tay này, Phú Thái đến với một nhà bán lẻ Thái Lan và đổi tên chuỗi thành B’mart, còn Familymart vẫn trụ lại thị trường Việt Nam nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa.
Sau Fivimart sẽ đến Citimart?
Khi đặt ra câu hỏi này hẳn nhiều ý kiến sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện của Citimart. Cùng thời điểm mua 30% cổ phần của Fivimart, Aeon cũng tuyên bố mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị Citimart. Và kịch bản của Citimart cũng không khác hơn Fivimart là bao nhiêu, doanh thu tăng trưởng nhưng vẫn liên tục thua lỗ. Citimart báo lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng trong các năm 2015 và 2016. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 157 tỷ đồng.
Sau Fivimart sẽ đến Citimart?
Khi đặt ra câu hỏi này hẳn nhiều ý kiến sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện của Citimart. Cùng thời điểm mua 30% cổ phần của Fivimart, Aeon cũng tuyên bố mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị Citimart. Và kịch bản của Citimart cũng không khác hơn Fivimart là bao nhiêu, doanh thu tăng trưởng nhưng vẫn liên tục thua lỗ. Citimart báo lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng trong các năm 2015 và 2016. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 157 tỷ đồng.
Trả lời báo chí về câu hỏi liệu Citimart có đi vào con đường phải chia tay với đại gia Nhật Bản hay không. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, đại diện Citimart cho rằng: “Nếu không đạt được như mục tiêu lẫn kỳ vọng như ban đầu đặt ra, điều gì đến cũng sẽ đến”. Hẳn mục tiêu ban đầu của các nhà bán lẻ trong nước khi bắt tay với đối tác ngoại không chỉ vì tài chính, mà còn để khắc phục những điểm yếu trong lĩnh vực bán lẻ của mình như kinh nghiệm, quản trị và đào tạo nhân lực. Còn kỳ vọng của các đại gia ngoại như Aeon khi hợp tác là gì chắc chỉ tập đoàn này mới nắm rõ nhất.
Nếu như trước đây các nhà bán lẻ ngoại thường thực hiện việc liên doanh để lách chính sách xem xét nhu cầu kinh tế (ENT) của Việt Nam, thì nay chính sách này đang có độ mở nhất định nên có lẽ việc liên doanh cũng không còn được chú ý nhiều nữa. Vì lẽ đó họ khó chấp nhận đi chung và thua lỗ cùng các đối tác nhỏ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh hết sức khốc liệt, vẫn còn nhiều nhà bán lẻ lớn muốn thâm nhập thị trường.
Nói như vậy không có nghĩa thị trường không còn chỗ cho các liên doanh nội ngoại. Thực tế vẫn còn những cái bắt tay giữa Phú Thái và tập đoàn Thái Lan đang vận hành chuỗi B’mart, hay việc liên doanh giữa Saigon Coop và một nhà bán lẻ lớn đến từ Singapore để phát triển mô hình đại siêu thị Coop Xtra; trung tâm thương mại SCVivoCity, cũng như chuỗi CHTL Cheers. Song đã đến lúc các doanh nghiệp nội nên tỉnh táo hơn trong các liên doanh bởi khi cơm không lành, canh không ngọt, hiệu quả kinh doanh không được như kỳ vọng, đối tác ngoại rút vốn hoặc bán vốn lại thì phần thiệt thòi thường thuộc vê bên nào có tiềm lực yếu hơn.