Vài năm trở lại đây, trên địa bàn thuộc thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, vùng nguyên liệu chè Ô Long và càphê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, xuất hiện cơn sốt bất động sản chưa từng có.
Trong cơn sốt đất, nhiều đồi chè, càphê đã bị “phù phép” thành hàng trăm “dự án” bất động sản, nghỉ dưỡng để phân lô, bán nền với thị trường giao dịch nhộn nhịp.
Mặc dù ngành chức năng Lâm Đồng đã vào cuộc, nhưng tình trạng sốt đất, phân lô bán nền vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí còn diễn ra rầm rộ hơn bởi lực hấp dẫn của lợi nhuận cực lớn.
Khi hoạt động hiến đất làm đường nhằm phân lô, bán nền trên địa bàn thành phố Bảo Lộc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tại huyện Bảo Lâm - vùng nguyên liệu chè Ô Long và càphê trọng điểm, lại tiếp tục diễn ra tình trạng san ủi đất đồi, lập “dự án” bất động sản.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt “dự án” này chủ yếu được quảng cáo thổi phồng, căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại cho người mua.
“Dự án” bủa vây vùng nông nghiệp
Tháng 11 hằng năm là cao điểm vụ mùa thu hoạch cà phê tại huyện Bảo Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Năm nay càphê được mùa, được giá. Tuy nhiên, vụ mùa cà phê này ở Bảo Lâm kém rộn ràng hơn hẳn. Thay vào đó là không khí mua bán, xem đất rất nhộn nhịp, bất chấp dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Trong vai người đi mua đất, nhóm phóng viên tiếp cận một “dự án” được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng với cái tên mỹ miều: The Tropicana Garden-Âm hưởng cao nguyên xanh thuần khiết.
Theo các chỉ dẫn, nhóm phóng viên phải mất khoảng 1 giờ di chuyển từ trung tâm thành phố Bảo Lộc đến địa bàn xã B’Lá (huyện Bảo Lâm), nơi có “dự án” The Tropicana Garden 1 và 2.
Cánh rừng thông phía sau khu vực nhà máy Alumin (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng) dần mất hút, phóng viên bắt gặp bảng chỉ dẫn đi vào “dự án” Tropicana Garden 2 trên con đường đất đỏ.
Từ tuyến tỉnh lộ 725 tiếp tục đi vào chừng 1km, nhóm phóng viên chứng kiến một khu vực rộng lớn có các quả đồi thoai thoải đã bị cạo trọc và đang được thi công những căn biệt thự nghỉ dưỡng. Tại khu vực tiếp khách, các tư vấn viên mặc đồng phục của đơn vị liên tục giới thiệu về “dự án” nghỉ dưỡng này với hơn 70 lô được phân chia sẵn, hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên… trong nội khu.
Theo một nữ nhân viên, để có thể sở hữu một lô đất (thổ cư sẵn) kèm căn biệt thự nghỉ dưỡng “sang chảnh” (thực ra là dạng nhà tiền chế 2 tầng, khung bằng sắt, vách bằng tấm ximăng đúc sẵn) có view rừng thông, view đồi núi tuyệt đẹp, khách hàng phải bỏ ra từ 3-4 tỷ đồng. “Mức giá này hiện đã cao hơn so với các sản phẩm của giai đoạn 1. Nguyên nhân do Tropicana 2 này có nhiều tiện ích hơn và số lượng nền cũng ít hơn,” nữ nhân viên này nói.
Để thuận tiện cho khách hàng “xuống tiền,” “dự án” còn hỗ trợ người mua có thể linh động thanh toán theo tiến độ bằng phương thức chia nhỏ thành 5 đợt khác nhau tùy theo hình thức thanh toán chuẩn (chia riêng thành giá trị đất và giá trị nhà) hay thanh toán nhanh (tổng hợp giá trị đất và giá trị nhà).
Khi thấy chúng tôi còn lưỡng lự, các nhân viên liên tục tư vấn về tiện ích trong khu dân cư này, đặc biệt là sau khi mua nếu không ở, khách hàng còn được chủ đầu tư hỗ trợ kinh doanh, đón khách lưu trú và chia sẻ lợi nhuận giữa hai bên.
Theo tìm hiểu, ngoài Tropicana 2 đang thi công, “dự án” còn có khu Tropicana đã hoàn thiện từ lâu với hàng chục căn nhà dạng nhà phố liền kế với thiết kế mái kiểu Pháp. Dãy nhà này án ngữ ngay trung tâm xã B’Lá, di chuyển trên tỉnh lộ 725 từ xa cũng dễ dàng nhìn thấy dãy nhà rất hoành tráng của “dự án” nhưng tính pháp lý của “dự án” này đang là một dấu hỏi lớn.
Không chỉ B’Lá, hiện nay trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn có hàng chục “dự án” đang được mở đường, thi công công trình xây dựng nội khu. Trong đó, địa bàn xã Lộc Tân, Lộc Quảng có nhiều “dự án” lớn, diện tích lên đến hàng chục hecta, hầu hết vốn là những đồi chè, càphê người dân địa phương đã canh tác từ lâu. Thậm chí có những khu vực đang cho thi công những tòa nhà cao tầng kiên cố, dần biến thành “rừng bêtông” ngay trong khu vực sản xuất nông nghiệp.
Lật tẩy nhà đầu tư
Bảo Lâm là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn với trên 146.000ha; trong đó có 58.000ha đất nông nghiệp, 1.008ha đất ở.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, trong thời gian qua, tại các xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc An, Lộc Đức, Lộc Ngãi có một số hộ gia đình, cá nhân của địa phương và ngoài địa phương về mua đất nghỉ dưỡng, đầu tư sinh lợi.
Trên địa bàn đã xuất hiện các khu đất được đặt tên theo tiếng nước ngoài do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, ủy quyền cho các đơn vị chào bán trên mạng xã hội. Trong đó, khu vực hơn 40ha tại xã Lộc Quảng đang được Công ty Khải Hưng rao bán, với tên gọi là Sun Valley.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, qua rà soát khu vực này được quy hoạch là đất ở nông thôn, có 11 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng với diện tích khoảng 25ha từ năm 2.000 đến nay. Các hộ gia đình đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.
Ông Lê Văn Tuế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Quảng (Bảo Lâm), cho biết khu vực dự án Sun Valley trước đây của người dân địa phương canh tác cà phê rồi được người khác mua lại. Sau đó, họ xin hiến đất làm đường, đấu nối với đường liên thôn 4 và thôn 6 đang được thi công.
“Sau khi xã tiếp nhận đơn xin mở đường và đấu nối với các tuyến giao thông hiện hữu, địa phương đã trình huyện phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết khi người dân địa phương bán đất cho người khác, xã cũng không nắm được chủ mới là ai để quản lý trong các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương,” ông Tuế cho hay.
Tại địa bàn huyện Bảo Lâm, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng hiện có hàng chục khu vực được phân lô, bán nền và được quảng cáo là “dự án” bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo ông Lê Văn Tuế, tình hình giá đất tại địa phương lên cao gấp nhiều lần trong thời gian gần đây nên người dân mua bán rất nhiều. Tuy nhiên, người mua mới không tiếp tục canh tác càphê, không làm vườn mà xin hiến đất làm đường để phục vụ mục đích riêng.
“Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản điều chỉnh vấn đề này nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và chúng tôi chỉ lo lắng về hệ lụy lâu dài, vùng trồng càphê, vùng nông nghiệp trù phú sẽ dần biến mất,” ông Lê Văn Tuế nói.