Chấm dứt một kỷ nguyên
Tờ Economist giật tít “Cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên”. Đó là kỷ nguyên trị vì kéo dài 7 thập niên của Nữ hoàng, thời điểm nước Anh chuyển từ đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh” sang đất nước “phi thực dân hóa”, một tiến trình nhiều quốc gia trở nên độc lập và tách khỏi Anh. Khi Nữ hoàng còn khỏe mạnh, vào những năm đầu thập niên 2000, bà vẫn công du nhiều nước trong khối thịnh vượng chung, với những chuyến đi kéo dài hơn 40.000 dặm qua hơn 13 quốc gia và lãnh thổ trong khối này, bao gồm những quốc gia là biểu tượng của sự thịnh vượng trên thế giới như Australia, New Zealand và Canada. Nhưng đó chỉ là ánh hoàng hôn le lói của một đế chế. Đế quốc Anh ngày xưa đã dần trở thành thế lực có tầm ảnh hưởng giới hạn trong khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Sự kết thúc kỷ nguyên thống trị của đế quốc Anh không có nguyên nhân trực tiếp liên quan đến Nữ hoàng. Bà lên ngôi sau Thế chiến 2 và nước Anh đã bị tàn phá và kiệt quệ. Những cuộc đấu tranh giành độc lập, cũng như tuyên bố độc lập của những thuộc địa, diễn ra như là lẽ tất yếu của một đế quốc bị suy yếu nặng vì chiến tranh. Thật ra, trong thời kỳ trị vì của nữ hoàng Anh, nước Anh đã có nhiều chuyển biến tích cực, như tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng gấp 3 lần, tuổi thọ bình quân từ dưới 70 tuổi tăng lên gần 80. Nhưng nhiều điều trong đó không phải do quyết sách của Nữ hoàng. Dẫu vậy, sự ra đi của bà đã viết lên dấu chấm cuối cùng “kỷ nguyên vĩ đại” của Vương quốc Anh.
Chương mới không mấy sáng sủa
Nước Anh bắt đầu chương mới không mấy sáng sủa. Lạm phát đạt 2 con số và dự kiến sẽ gần 20% trong quý I-2023. Bất chấp nỗ lực của bà tân Thủ tướng quyết định đặt trần tăng chi phí năng lượng cho hộ gia đình ở mức bình quân 2.500 bảng/năm, mức tăng này vẫn là khá đáng kể cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Với giá áp trần không nhỏ, dự kiến khoảng 150 tỷ bảng Anh, và chính phủ sẽ phải vay từ thị trường vốn khoảng 90 tỷ bảng Anh để tài trợ cho mức áp giá trần này.
Về cơ bản, chi phí năng lượng không biến mất, thay vì dân bỏ tiền ra trả, nay chính phủ đi vay tiền để trả thay dân. Số tiền nợ đó, sẽ được cộng thêm vào mức nợ công khoảng 2.300 tỷ bảng Anh, tương đương 99% GDP. Với mức nợ mới này, tổng nợ sẽ vượt 100% GDP. Thị trường tài chính tỏ ra không mấy hào hứng với triển vọng này. Đồng bảng Anh giảm về mức thấp nhất kể từ 1985. Ngân hàng đầu tư Barclays ước tính tổng trái phiếu cần phải bán ra của chính phủ Anh từ 2022-2024 là 250 tỷ bảng Anh, tức số nợ cần vay thêm của Anh trong 2 năm tới cao hơn 10% GDP năm 2020. Đây là mức tăng vay nợ rất nhanh và thị trường trái phiếu hoàn toàn không có niềm tin về mức phát hành lớn như vậy.
Stefan Koopman, chuyên gia phân tích cao cấp của Rabobank, nói “Bà Truss có thể tin thị trường, nhưng thị trường không tin bà Truss”. Lợi suất trái phiếu dài hạn tăng gần 50%, từ trên 2% hồi đầu tháng 8 lên 3,1% khi gói hỗ trợ năng lượng của Anh được công bố. Mặc dù chính phủ Anh chấp nhận trả giá đắt như vậy để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, dự kiến kinh tế Anh vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn và suy thoái gần như không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh vay nợ lớn vẫn rơi vào suy thoái, đồng bảng Anh dự kiến giảm về mức 1,1 thậm chí 1,02.
Những cơ hội
Phải chăng triển vọng của nước Anh trượt dài như vậy? Không hẳn, vẫn có cơ hội để nước Anh chuyển mình. Như đánh giá của cây bút John Authers trên Bloomberg, Liz Truss vẫn có thể khiến những người đang bán khống bảng Anh và tài sản Anh (trái phiếu và cổ phiếu) trở thành những chú hề. Vì sao vậy? Yếu tố chính là vì thị trường đang định giá tài sản và bảng Anh dựa trên những kịch bản xấu. Mặc dù kỳ vọng này là hợp lý và có thể còn xấu hơn, vẫn có những kịch bản tốt thị trường đang bỏ qua.
Đó là sự kết thúc của cuộc chiến ở Ukraine, thị trường năng lượng trở lại bình thường, thương mại quốc tế của Anh tăng trưởng nhờ đồng bảng thấp. Nhà báo Simon Jenkins viết một bài trên Guardian, cho rằng Liz Truss vẫn có cơ hội để “giải cứu nước Anh”, nhưng cần phải “quay xe hình chữ U với tất cả quan điểm chính sách của mình”. Hàm ý của Simon Jenkins là Liz Truss phải chi tiền, nhưng không phải vào những mục tiêu kiếm phiếu ngắn hạn, mà phải liên quan đến tăng trưởng và khôi phục sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với nền kinh tế có tỷ lệ chi đầu tư phát triển thấp hơn mức bình quân của châu Âu và các thước đo về năng suất, cho thấy sự trì trệ hoặc sụt giảm, nước Anh cần làm mới mình, thúc đẩy tăng trưởng qua tăng năng suất. Điều này đòi hỏi những động lực tăng trưởng mới và giải phóng nguồn lực mới. Một phần đó phải đến từ những chính sách đột phá, phá vỡ những khuôn mẫu EU đã áp vào kinh tế Anh trước đây. Những hứa hẹn về vụ nổ “Big Bang 2.0” cho các cơ chế của London do tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng mang hơi hướng tích cực cho điều đó.
Đặc biệt, với sự bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh doanh Jacob Rees-Mogg, người quyết liệt chống EU, cùng với Kwasi Kwarteng, giới kinh doanh dự đoán bộ đôi này sẽ thúc đẩy những cải cách triệt để thị trường tài chính và kinh doanh, đoạn tuyệt với nhiều khuôn khổ chính sách của EU, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút doanh nghiệp sáng tạo và tăng trưởng cao đến Anh. Jacob Rees-Mogg cũng không phải là người ủng hộ các chính sách về môi trường tốn kém. Nước Anh có thể sẽ “quay xe” với một số mục tiêu môi trường và ưu tiên tăng trưởng kinh tế với vai trò của ông trong nội các.
Đến thời điểm này, đây chỉ là những dự đoán về những gì của chính phủ mới của Anh sẽ làm. Liệu bà Liz Truss sẽ làm được như đã hứa là thực hiện “một chính phủ nhỏ” để không can thiệp vào nền kinh tế quá mức, để thị trường thúc đẩy tăng trưởng và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế; hay sẽ chỉ là hứa hẹn thật nhiều rồi thất hứa thật nhiều, chưa ai biết. Khởi đầu mới này của nước Anh sẽ ra sao có lẽ phải 1 năm sau mới có thể nhìn rõ hơn.
Tân thủ tướng Anh Liz Truss và tân Vương Charles III sẽ phải dẫn dắt đất nước đi qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 3 thập niên trở lại đây. |