Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng nuôi chó thả rông vẫn chưa có chuyển biến tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và an toàn của người dân.
Thú vui của mình…
Lâu nay, chó được xem là con vật trung thành và có đặc tính giữ nhà. Nhiều người nuôi chó, xem nó là thú cưng, như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, do lơi lỏng quản lý, chó đã vượt khỏi hàng rào, cổng nhà… và lang thang khắp nơi.
Đưa chó cưng dạo chơi nơi công cộng. Ảnh DŨNG PHƯƠNG
Chó thả rông phóng uế bừa bãi diễn ra khá phổ biến tại khu dân cư, trên đường phố. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của người dân. Thay vì thong dong ngửa mặt lên trời để hít thở không khí trong lành vào sáng sớm thì nhiều người phải cúi mặt, rón rén, dò dẫm từng bước để tránh… phân chó!? Thực trạng này diễn ra phổ biến không những tại các hẻm nhỏ, xóm trọ mà còn ở nhiều tuyến đường trong thành phố. Tệ hại hơn, nhiều người (có cả người nước ngoài) còn coi công viên, vườn hoa ở bờ kè - nơi để thư giãn, rèn luyện sức khỏe - là nhà vệ sinh cho thú cưng của mình. Bất kể thời điểm nào trong ngày, người dân cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng không đẹp này.
Ông Lê Ngọc Quang, 64 tuổi, ở đường Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, bức xúc cho biết: “Sáng nào, tôi cũng tranh thủ ra công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tập thể dục. Đường đến công viên không xa, nhưng di chuyển khó khăn. Bởi lẽ, dọc tuyến hẻm, trên đường đi có quá nhiều chất thải của chó. Công viên dọc bờ kè trên đường Nguyễn Ngọc Phương dài khoảng nửa cây số, là địa điểm lý tưởng để đi bộ, tập thể dục, nhưng nhiều người không dám đi hết đoạn đường đó. Bởi lẽ, ở khu vực phía sau chợ Thị Nghè, ai đó đã đưa chó ra đi vệ sinh dọc lối đi. Chưa kể có hôm họ còn cột mấy con chó ở hàng rào. Vừa bẩn vừa nguy hiểm”. Theo ghi nhận, trải dài suốt bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm đi trên cỏ, tuy nhiên nhiều người vẫn ngang nhiên dắt chó đi lại, cho tiểu tiện, đại tiện. Trong đó, rất ít người ý thức mang theo giấy, bao ni lông để dọn dẹp bãi phân từ thú cưng của mình.
Thực trạng chó thả rông phóng uế bừa bãi đã ít nhiều gây bức xúc cho người dân đang sinh sống trong khu dân cư. Đây là nguyên nhân chính gây ra cãi vã, thậm chí xô xát. Ông Vũ Huy Long, 62 tuổi, ở đường 54, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), bức xúc: “Khổ nhất là không biết chó của ai, mà nói thật có biết thì nói họ cũng chậm khắc phục. Để đảm bảo hạnh phúc gia đình, bình yên thôn xóm… tôi không còn sự chọn lựa nào khác, tự quét dọn phân chó trước cửa nhà và các nhà lân cận. Ngoài chổi và đồ hốt rác, tôi trang bị thêm một thùng cát để dễ dàng xử lý. Tuy nhiên, nhiều lúc mình chậm một xíu thì xe qua lại đã cán chèm bẹp”.
Nỗi lo của người khác
Ở trong nhà, chó phải được cột, nhốt; khi đưa chó ra ngoài, chủ phải xích cổ, rọ mõm chó. Quy định là như vậy, nhưng nhiều chủ vật nuôi vẫn không chấp hành. Như một thông lệ, cứ sáng sớm hay chiều tối, họ thả chó ra ngoài để đi vệ sinh. Bị cột, nhốt thời gian dài, vừa được thả, các con chó chạy huỳnh huỵch, lao thẳng ra đường.
Ông Nguyễn Quang An, 69 tuổi, tổ dân phố 15, KP 2, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), cho biết: “Khu dân cư nhà tôi có một công viên nhỏ, người già và trẻ nhỏ tụ tập thư giãn, chơi đùa rất vui. Gần đây, có một hộ mới dọn đến. Nhà họ có nuôi một con chó rất to, trông dữ tợn. 2 buổi sáng chiều, cháu gái khoảng 15 tuổi dắt chó ra công viên chơi, chó không được rọ mõm. Cách đây vài hôm, thấy chó lạ, con chó khác đuổi theo. Cháu gái không kìm được dây, chó chạy xồng xộc, thở hồng hộc, thè lưỡi dài ai cũng hoảng hồn. Ai biết con chó được tiêm phòng hay chưa? Mà nếu có thì khi xảy ra sự cố, nạn nhân sẽ gặp rất nhiều phiền phức!”.
Trước đây, công việc đặc thù trên được giao cho Tổ bắt chó thả rông, Trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật, thuộc Chi cục Thú y TPHCM. Từ năm 2017, việc bắt chó thả rông đã được giao về cho UBND các quận, huyện. Đội bắt chó thả rông đã giải tán. Nhiều người dân thành phố bức xúc và mong muốn lập lại đơn vị đặc biệt này để kịp thời xử lý thực trạng chó thả rông hung hãn và phóng uế bừa bãi như hiện nay.
Luật gia Trịnh Phi Long (Hội Luật gia TPHCM) cho biết: “Một số giống chó rất hung dữ. Do vậy, chúng ta cần có quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ và chế tài với việc kinh doanh cũng như nuôi dưỡng. Với thực tế như hiện nay, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đưa một số giống chó vào danh mục “thú dữ”. Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 1, Điều 601) có quy định thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng đó chỉ là quy định chung chung, chưa cụ thể. Điều 603 Bộ luật Dân sự đã quy định trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu khi để vật nuôi của mình làm tổn hại sức khỏe, tính mạng của người khác. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%-60%, chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015”. |