![Năm 2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/zfrykxqvkw/2025_02_06/picture1-6346-8141.png.webp)
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu và lộ trình phát thải ròng bằng 0.
Vì vậy, vai trò của các định chế tài chính như ngân hàng rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn, mở lối dẫn dòng tín dụng xanh tung ra thị trường một cách hiệu quả.
Tại OCB, xác định và xây dựng nền tảng rất sớm về việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững, từ nhiều năm qua, ngân hàng đã và đang thực hiện hàng loạt các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội và đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy cung ứng vốn, dịch vụ tài chính hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường, quản lý rủi ro môi trường và xã hội cùng với sự đồng hành từ nhiều tổ chức quốc tế uy tín, như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Chỉ tính riêng trong năm 2024, OCB đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: năng lượng tái tạo, công trình xanh tòa nhà A+, các nhà máy cung cấp nước và nông nghiệp thông minh…
Tính đến 31-12-2024, tín dụng xanh tại OCB đã tăng 30% so với năm 2023. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, OCB cũng thực hiện hàng loạt các hoạt động mang đến các giải pháp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp. Đơn cử, ký kết hợp tác chiến lược với IFC, hướng tới mục tiêu ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam.
Tập trung vào chuyển đổi ngân hàng xanh và nâng cao dịch vụ ngân hàng số cho doanh nghiệp SME và khách hàng bán lẻ; Hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư Genesia Ventures, hướng đến mục tiêu đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Ký kết hợp tác với Smedf thông qua hợp đồng khung cho vay gián tiếp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp SME tại việt nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và giải pháp tài chính tối ưu.
Đặc biệt, ngân hàng cũng tung sản phẩm cho vay doanh nghiệp Start-up không tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Start-up trong quá trình gọi vốn. Điều kiện chỉ cần có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên. Theo đó, doanh nghiệp vay không cần tài sản bảo đảm, hạn mức vay lên đến 3 tỷ đồng, thời hạn vay linh hoạt (tối đa 12 tháng).
![OCB đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các dự án năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Picture6-2.png](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/zfrykxqvkw/2025_02_06/picture6-2-4957-8392.png.webp)
OCB hiện đang tiếp tục đẩy mạnh, tập trung tài trợ cho vay các lĩnh vực xanh, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, bên cạnh cho vay tệp khách hàng SMEs và các doanh nghiệp có quản lý là nữ giới. Ngoài ra, OCB cũng đang phát triển mạnh các dịch vụ tài chính bao gồm cho vay vốn lưu động, quản lý dòng tiền cho nhóm doanh nghiệp Start-up đã có dòng tiền ổn định.
"Ngoài ra, nhờ sự tư vấn từ các tổ chức uy tín quốc tế như IFC, OCB đã từng bước xây dựng các quy chuẩn, đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh thông qua các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế. Năm 2025, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, chúng tôi sẽ tiến hành tập trung rà soát điều chỉnh các sản phẩm theo hướng “may đo” phù hợp với từng đối tượng khách hàng”, lãnh đạo OCB cho biết.
Cũng nằm trong chiến lược phát triển bền vững được xây dựng và công bố, năm 2024 OCB đã triển khai hàng loạt các chương trình nhằm đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, chia sẻ với cộng đồng và kết hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA phủ xanh rừng Xuân Liên (Thanh Hóa).
Được biết, năm 2025 OCB sẽ không ngừng phát triển các sản phẩm số; tăng quy mô tín dụng xanh và xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc… thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong hành trình xanh hóa, đồng hành cùng Chính phủ cho mục tiêu Net Zero trong năm 2050.