Ông Biden sắp điện đàm với ông Tập lần đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với ông Tập Cận Bình kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc điện đàm trong ngày 18-3 nhằm thảo luận cách thức quản lý mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước và cuộc xung đột tại Ukraine.

Ngoài ra, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ cùng thảo luận “những vấn đề khác mà hai bên quan tâm” như là một phần trong nỗ lực giữ cho đường dây liên lạc hai nước hoạt động.

Ông Biden sắp điện đàm với ông Tập lần đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra ảnh 1

Ông Biden và ông Tập trong một cuộc họp trực tuyến vào tháng 11-2021. Ảnh: AP

Một quan chức Mỹ nói rằng cuộc điện đàm là một thỏa thuận trong cuộc họp kéo dài bảy giờ giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 14-3, hãng Reuters đưa tin.

Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào thời điểm quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Chính quyền ông Biden đã đưa ra các cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu như nước này hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 17-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Tổng thống Biden sẽ điện đàm với ông Tập và “làm rõ rằng Trung Quốc sẽ nhận lấy trách nhiệm về bất kỳ hành động nào nhằm hỗ trợ Nga và chúng tôi không chần chừ áp đặt các tổn thất” lên Bắc Kinh.

Ông Blinken cũng nói rằng Trung Quốc có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và bảo vệ các quy tắc quốc tế, nhưng ông cho hay Bắc Kinh có vẻ “đang đi theo hướng ngược lại”.

“Chúng tôi quan ngại rằng họ (Trung Quốc) đang cân nhắc viện trợ thiết bị quân sự cho Nga sử dụng tại Ukraine” - ông Blinken nói, đồng thời lần đầu tiên chính thức xác nhận các báo cáo vào đầu tuần rằng Trung Quốc có những dấu hiệu sẵn sàng hỗ trợ Nga.

Ngoại trưởng Blinken không cung cấp chi tiết những tổn thất mà Trung Quốc sẽ phải gánh chịu cũng như chưa đưa ra bằng chứng về việc Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga.

Moscow đã phủ nhận cáo buộc yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi Trung Quốc gọi đó là “thông tin giả”.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng việc nhắm vào Bắc Kinh với các hình thức trừng phạt kinh tế tương tự như đối với Nga sẽ đem đến những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn nhất.

Phát biểu trong hội thảo do Quỹ German Marshall tổ chức, chuyên gia về châu Á từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - ông Evan Medeiros - nhận định chính quyền ông Biden dường như đang cố gắng truyền đạt tới ông Tập rằng Bắc Kinh có nguy cơ bước qua ngưỡng cửa có thể làm tổn hại không thể cứu vãn cho quan hệ Mỹ-Trung.

“Không chỉ là tổn thất rất, rất cao do việc bước qua cái ngưỡng đó chẳng hạn như hỗ trợ quân sự, tham gia vào chiến dịch lan truyền tin giả, mà một khi bước qua rồi thì không còn đường quay trở lại” - ông Medeiros cho hay.

“Thông điệp tới Trung Quốc bây giờ cơ bản là có nhiều viễn cảnh cho quan hệ hai nước. Một số thì u ám, còn một số thì tương sáng hơn” - ông nói tiếp.

Các tin khác