Nhiều ý kiến cho rằng một trong những giải pháp để “phá băng” thị trường BĐS là tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại hoài nghi về giải pháp này, nếu các chính sách hiện hành về nhà ở xã hội không thay đổi.
Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân gây tồn kho BĐS là do thời gian qua doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng chủ yếu hàng cao cấp và trung bình, còn sản phẩm cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở xã hội, rất ít. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển nhà ở của TPHCM, diện tích nhà ở phải luôn tăng, đặc biệt nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, TPHCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2,7 triệu m² sàn nhà ở xã hội (675.000m²/năm). Trong trường hợp điều kiện kinh tế-xã hội phát triển thuận lợi, các chỉ tiêu trên sẽ được điều chỉnh tăng thêm nhằm phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng mỗi năm đạt 1 triệu m² sàn.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, phát triển nhà ở xã hội để “phá băng” BĐS e rằng không khả thi. Bởi các quy định về đầu tư xây dựng và giao dịch nhà ở xã hội hiện nay rất nhiêu khê, chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước tham gia, nhưng số lượng dự án triển khai trên thực tế rất khiêm tốn.
Cơ chế mua bán nhà ở xã hội cho người mua được hỗ trợ để mua giá rẻ, trả dần trong hàng chục năm. Tuy nhiên, người mua phải sử dụng tối thiểu 15 năm và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính mới được cấp chủ quyền và được chuyển nhượng, nên không thu hút được người mua.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, đề xuất phải có cơ chế thông thoáng hơn mới thu hút được doanh nghiệp và người dân tham gia. Đó là “nhà ở xã hội theo cơ chế thương mại”. Bình Dương là địa phương đi đầu của mô hình này và bước đầu khá thành công. Công ty Becamex của Bình Dương đã đầu tư khoảng 5.000 căn trên tổng số 64.700 căn toàn dự án.
Các căn hộ 30m² (chiếm 90% dự án)với giá bán 90-120 triệu đồng đã rất thu hút người mua. Các chung cư tại đây chỉ cao 5 tầng, gồm các căn hộ 30m² (20m² trệt, 10m² lửng) theo quy định của nhà ở xã hội. Lấy danh nghĩa nhà ở xã hội nhưng bán đại trà, nên được gọi là “nhà ở xã hội heo phương thức thương mại”. Hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng cho phép xây căn hộ 25m² và đang chờ phản hồi.
Trong khi chờ đợi quyết định căn hộ 25m², ông Đực cho rằng cách cứu doanh nghiệp trước mặt là bỏ tỷ lệ căn hộ A, B, C trong tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004, cho phép doanh nghiệp thực hiện căn hộ A và B theo nhu cầu của đông đảo người dân và thị trường.