Khối lượng nợ này theo ước tính của nhiều chuyên gia tài chính là rất lớn, không như con số được các nhà băng thông báo.
Bằng chứng này thể hiện qua việc chỉ số ROA (lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của một số NH tăng quá mạnh. Cơ cấu lại nợ, các nhà băng không cần phải trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận nghiễm nhiên tăng lên. Nhưng đằng sau đó là lãi dự thu rất lớn, đồng nghĩa với dòng tiền của NH cũng gặp khó khăn, đó là biểu hiện nợ xấu rất lớn.
Trong bối cảnh như vậy, nếu một gói cấp bù lãi suất dự kiến triển khai trong thời gian tới mà không giám sát chặt lại kéo NH vào cuộc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Điều này cần được cảnh báo sớm. Theo đó, thay vì để NH trực tiếp thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hãy để doanh nghiệp (DN) vay NH theo đúng chuẩn, sau đó nộp hồ sơ cho Bộ Tài chính để được hỗ trợ, để tránh rủi ro cho NH. Quan điểm này đặt ra không chỉ vì lợi ích của ngành NH, mà còn thận trọng cho rủi ro vĩ mô trong tương lai.
Lo ngại nói trên hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực chất hiện nay các NH nói hoạt động ổn định, bền vững, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tiềm ẩn các rủi ro bên trong. Vài tháng gần đây, tín dụng khởi sắc một cách đáng kinh ngạc. Tính đến 22-12-2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, vượt mục tiêu nhà điều hành đặt ra hồi đầu năm. Con số này tại thời điểm vào cuối tháng 9-2021 mới ở mức 7,88%. Còn nếu tính từ 25-11 đến 22-12-2021, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,87%, tương đương quy mô mở rộng gần 264.000 tỷ đồng.
Nhiều NHTM cũng được NHNN nới room tín dụng rất cao để đáp ứng cầu vốn. Một tốc độ tăng cực mạnh, trong khi cộng đồng DN, nhất là trong các ngành mũi nhọn như công nghiệp hỗ trợ vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đợt dịch lần thứ 4. Họ cho biết không còn tài sản thế chấp để vay NH. Vậy tín dụng tăng nhanh cũng không hẳn là tin vui cho nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê cho biết tính chung cả năm 2021 GDP tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020, cũng là mức tăng thấp nhất trong thập niên gần đây. Tín dụng tăng cao, GDP tăng thấp đặt dấu hỏi về việc vốn chảy vào các thị trường tài sản, các lĩnh vực rủi ro. Dấu hỏi này càng đậm hơn khi NHNN vẫn tiếp tục khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng NH. Bởi lẽ, điều NHNN muốn siết cũng là trách nhiệm của các NHTM, thế nhưng cơ quan quản lý liên tục lặp lại điệp khúc này?
Trong bối cảnh hiện nay, nhà điều hành nên có quan điểm cứng rắn hơn để kiềm hãm nợ xấu đang ngày càng phình lên. Theo đó, để đảm bảo sức khỏe các NH, NHNN nên “rút bớt củi dưới đáy nồi” trong vấn đề giãn, hoãn nợ.
Cụ thể, sự hỗ trợ theo Thông tư 14/2021 sẽ kéo dài đến tháng 6-2022. Với hoàn cảnh hiện tại, nhiều dự báo cho rằng NHNN có thể kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến tháng 12-2022. Song đã đến lúc NHNN cần xem xét giảm bớt liều lượng, có thể từ tháng 6-2022; hoặc có thể sớm hơn là từ tháng 1-2022 yêu cầu các NHTM phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.
Hiện tại, NH được phép trích lập trong 3 năm, tức năm 2021 có khoản nợ xấu tiềm ẩn không được trích lập, NH ghi nhận lợi nhuận lớn. Lợi nhuận này sẽ được chia cổ tức cho cổ đông, đóng thuế cho Bộ Tài chính, nhưng đến khi rủi ro xảy ra NH sẽ tự gánh lấy. Vì vậy ngay bây giờ, nên để NH sớm phân loại nợ đúng quy định, để tạo tấm khiên hợp lý cho một “cuộc chiến” sau này, thay vì lạc quan như hiện tại. Bởi khi kinh tế phục hồi mới là thời điểm các vấn đề của NH thực sự lộ diện.