1.
Khái niệm “hàng hóa thiết yếu” không thể dựa vào cảm tính “thiết yếu” của những cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ “luồng xanh” ở mỗi nơi. Câu chuyện người đi giao tủ lạnh cho khách hàng bị xử phạt vì vận chuyển hàng hóa không thiết yếu là một thí dụ đáng suy ngẫm. Bởi lẽ, người dân không thể đi chợ thường xuyên thì phải dùng tủ lạnh để lưu trữ và bảo quản thực phẩm. Mặt khác, khái niệm hàng hóa thiết yếu cũng cần được hiểu một cách cởi mở hơn, chứ không chỉ bó hẹp về thực phẩm rau dưa cơm cá. Bởi lẽ, thức ăn chăn nuôi hay vật tư nông nghiệp cũng là hàng hóa thiết yếu của nông dân, quyển sách hay cây bút cũng là hàng hóa thiết yếu của học sinh. Hay như thông tin các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của Công ty Diana Unicharm bị cơ quan chức năng chặn lại khi vận chuyển băng vệ sinh, tã, bỉm, do không được xếp vào nhóm nhu yếu phẩm cần thiết giữa đại dịch, khiến câu chuyện "hàng thiết yếu là gì" nóng ran.
Hãy rộng cửa cho mọi dịch vụ thương mại điện tử với lực lượng giao nhận hàng hóa được tiêm vaccine, khi đó người Việt Nam sẽ ở yên tại nhà hỗ trợ công tác chống dịch sớm ngày thành công. Đó mới gọi là thiết yếu cần thiết trong lúc này.
Trong cao điểm chống dịch, lương thực và thực phẩm để bảo đảm an sinh là nhiệm vụ quan trọng. Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, doanh nghiệp dự án BOT... tạm dừng thu phí các trạm đóng trên địa bàn các tỉnh đang thực hiện giãn cách. Đối với các tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16, được yêu cầu miễn phí cho các phương tiện chở cán bộ y bác sĩ, thiết bị y tế, các xe chở người từ vùng dịch về địa phương, xe chở người tăng cường cho vùng dịch. Ngoài ra phải tổ chức phân luồng, hướng dẫn tạo thuận tiện cho các phương tiện nêu trên trong việc đi lại. Thế nhưng, Hiệp hội Các ngành hàng trong cuộc họp trực tuyến với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã nêu thực trạng, đồ uống và sữa không nằm trong danh mục hàng thiết yếu của vài địa phương nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuyển hàng tới các đại lý.
Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích, cụm từ "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Như vậy đồ uống và sữa không thể thiếu trong sinh hoạt mỗi ngày của người dân. Sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương đang là vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước thực trạng những xe chở đồ uống và sữa phải quay đầu trước hàng rào phong tỏa của vài địa phương, đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương nhận xét, đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu... càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hóa. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
2.
Việt Nam đang trong giai đoạn căng thẳng chống dịch Covid-19. Tăng cường Chỉ thị 16 ở cấp độ cao hơn là biện pháp cần thiết hiện nay đối với các tỉnh Nam bộ. TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác buộc phải áp dụng lệnh giới nghiêm để hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ. Giãn cách xã hội tạo ra khoảng lặng để chống dịch. Thế nhưng, dù kêu gọi sự dấn thân của đội ngũ nhân viên y tế hoặc đầu tư xây dựng bệnh viện có quy mô lớn để điều trị, cũng không quan trọng bằng việc đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine.
Tổ chức chia sẻ vaccine toàn cầu COVAC đã, đang và sẽ ưu tiên viện trợ vaccine cho Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng hy vọng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm vaccine quá chậm sẽ làm giảm cơ hội ngăn chặn dịch Covid-19. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine đã được quy định chi tiết. Tuy nhiên, khi nhiều nơi đã phong tỏa thì lực lượng giao nhận hàng hóa cũng phải được ưu tiên tiêm vaccine. Tài xế xe tải đường dài không thể trông cậy mãi vào tờ giấy xét nghiệm có giá trị ngắn ngày. Và nhất là các nhân viên giao hàng - shipper của dịch vụ thương mại điện tử, nên sớm được tiêm vaccine để bảo đảm cán cân cung cầu không bị đứt gãy trong những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Khi và chỉ khi, lực lượng giao nhận hàng hóa có sự bảo vệ của vaccine và có sự ủng hộ của cộng đồng, bài toán hóc búa nhất về sinh kế an dân trong đại dịch sẽ được giải quyết thấu đáo.
Tại diễn đàn kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Covid-19 như tấm gương phản chiếu sắc nét những mặt tốt và mặt xấu của xã hội chúng ta. Thấy được những giá trị cốt lõi của con người đó chính là sự đùm bọc chở che nhau trong cơn hoạn nạn. Những tấm gương hy sinh vì dân khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục. Đồng thời Covid-19 đã làm trôi những vỏ bọc của những cá nhân không đủ năng lực, thiếu đạo đức cần phải loại bỏ trong hệ thống. Chúng ta cần những vị lãnh đạo năng động, kỹ trị và có đạo đức liêm chính để đưa đất nước vượt qua khó khăn.
Covid-19 như một bài sát hạch từ trung ương đến địa phương. Có những vị lãnh đạo đủ tâm đủ tầm, sẽ có những chính sách mới, những quyết định hợp lòng dân nhưng cũng không mị dân, đánh bóng thương hiệu vì thương dân nhưng phải ái quốc, là phải vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đơn cử khi người yếu thế đang ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề với việc đứt đoạn chuỗi sản xuất mà vẫn phải lo an sinh cho người lao động… chúng ta cần có chính sách khẩn cấp để người dân đừng bi quan, cảm giác không còn chỗ nào bám víu trong cơn hoạn nạn. Một hành động rất nhân văn của Chính phủ có thể làm yên lòng những người dân đang oằn mình chống dịch, như giảm giá những mặt hàng thiết yếu xăng dầu, điện, nước…