Phải quyết liệt khai thông giải ngân

(ĐTTCO) - Việc giải ngân vốn ĐTC chậm không phải bây giờ mới nói đến, mà đặt trong bối cảnh luật pháp liên quan tới ĐTC của Việt Nam khá chặt chẽ và phức tạp, khi nỗ lực chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng được đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân bị chững lại. 
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính: 

Chọn lọc dự án, cán bộ dám làm

Việc giải ngân vốn ĐTC chậm không phải bây giờ mới nói đến, mà đặt trong bối cảnh luật pháp liên quan tới ĐTC của Việt Nam khá chặt chẽ và phức tạp, khi nỗ lực chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng được đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân bị chững lại.
Theo quan sát của tôi, tốc độ giải ngân trong vòng 5 năm trở lại đây khá thấp, thường chỉ giải ngân được 1/3 số vốn. Cái vướng mắc cơ bản là liên quan tới Luật ĐTC và các quy định hướng dẫn khá chặt chẽ, nên các địa phương và chủ dự án khó khăn trong triển khai vốn ĐTC. 
Đó là Chính phủ quy định chủ dự án và chủ đầu tư khi triển khai các dự án, nếu có sai phạm họ phải chịu trách nhiệm. Không thực hiện nghiêm bị pháp luật xử lý nên họ đang chững lại trong việc triển khai dự án.
Đơn cử, Luật ĐTC đưa rất nhiều yêu cầu đối với các dự án ĐTC như phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải chuẩn bị đủ nguồn vốn tài chính để triển khai, phải thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đấu thầu… Điều này cũng khiến rất nhiều dự án dù đã được phê duyệt nhưng chưa hội tụ đủ các điều kiện này nên người lãnh đạo chần chừ trong việc thực hiện. 
Mặt khác, Luật Phòng chống tham nhũng có nhiều quy định liên quan đến ĐTC, khiến nhiều người sợ vi phạm luật này khi triển khai các dự án ĐTC.
Thực tế hiện nay hàng loạt vụ án liên quan tới phòng chống tham nhũng dính dáng đến các dự án ĐTC đã triển khai trước đó. Nghĩa là có vấn đề hồi tố nên càng làm người có trách nhiệm liên quan tới ĐTC e ngại trong triển khai.
Tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân nếu tăng cường giải quyết ách tắc cho từng dự án, cũng như quan tâm nhiều hơn công tác chọn lọc cán bộ. Bởi lẽ mỗi dự án lại vướng ở một vấn đề rất cụ thể nhưng không liên quan tới quy định chung, nên phải xử lý theo từng dự án.
Thêm nữa, không chỉ quá trình lựa chọn dự án có hiệu quả, mà gắn vào đó sự phân cấp và trách nhiệm của người phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc triển khai dự án đó. Như vậy phải kết hợp vấn đề chọn lọc các dự án với chọn lọc cán bộ, những người sợ trách nhiệm không dám triển khai, mới đẩy nhanh được tiến độ ĐTC được.
TS. VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh:

Tìm cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm 

Có 2 lý do để ĐTC sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo, trợ lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Thứ nhất, dư địa cho ĐTC cao hơn, tỷ lệ trần nợ công giảm nhiều; thâm hụt ngân sách, nguồn lực còn khó khăn nhưng không lớn như trước.
Thứ hai, ĐTC là lĩnh vực có hệ số lan tỏa tương đối tốt, kéo theo rất nhiều ngành nghề khác. Những yếu tố đầu vào như sắt thép, xi măng, nhân lực đều cần rất nhiều. Như vậy ĐTC tăng trưởng tạo công ăn việc làm, hạ tầng không chỉ là ngắn hạn mà là vấn đề cho phát triển dài hạn.
Một khi chậm giải ngân bởi vốn ứ đọng, Chính phủ vẫn phải trả lãi của các khoản vay. Thực tế trong nhiều năm qua khi chúng ta huy động vốn mà không đầu tư được ngay  sẽ bị mất chi phí cơ hội rất lớn.
Để đẩy nhanh ĐTC trong lúc này, ngoài việc kiên quyết cắt bỏ các dự án chưa cần thiết hay dàn trải, lãng phí, cần tìm ra giải pháp loại bỏ tâm lý e sợ của cán bộ, khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Chính phủ cần có cái nhìn linh hoạt trong vấn đề chống tiêu cực và cởi mở với những ý tưởng mới. 
Về mặt pháp lý có thể có 2 cách. Một là đi tìm cái tiêu cực để trị nó. Bởi xã hội rất linh hoạt uyển chuyển, thị trường rất đa dạng, nhiều ngõ ngách, nếu chỉ đi chống không bao giờ chống hết được. Hai là phải đi tìm cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì cái chung.
Theo đó, cần sớm thúc đẩy xây dựng khung pháp luật thí điểm dạng sandbox, để bảo vệ và tạo động lực cho công chức đưa ra và thử nghiệm những ý tưởng mới, sáng tạo trong thực hiện ĐTC. Bên cạnh đó, có thể tham khảo cách làm của một số nước tiên tiến.

Các tin khác